Hỏi: Chào bác sĩ ! Tôi năm nay 38 tuổi, đã chích ngừa viêm gan B từ năm 1997 đủ bốn lần. Cách nay một tuần tôi có đi làm xét nghiệm ở Pasteur TP.HCM về chức năng gan, viêm gan A, B, C với kết quả như sau: HBsAg âm tính 0.476, Anti HCV âm tính, Anti HAV Total dương tính >60.00, SGOT(AST) 18.3 U/L, SGPT(ALT) 27.1 U/L, GGT 29.5 U/L, Bilirubin T 6.22 umol/L, Bilirubin D 3.02 umol/L. Như vậy theo sét nghiện của tôi ở phòng thì tôi đã bị viêm gan A. Vậy bác sĩ cho hỏi Viêm gan A lây bằng cách nào, thuốc tây và đông y có chữa trị được không? Những loại nào chữa được và các sản phẩm của cây atisô có giúp gì cho gan không? Cách đề phòng và ngăn ngừa viêm gan A, B.(Pham Dang Nghia)
(Ảnh minh hoa)
Trả lời :
Viêm gan A là bệnh tính cấp tính nhưng thường tự khỏi và không diễn tiến mãn tính như viêm gan B, C cho nên không gây tổn thương gan kéo dài. Virus gây viêm gan A (HAV) lây truyền từ người qua người theo đường phân, miệng: virus đi từ phân của người mắc bệnh vào thức ăn đồ uống và người lành tiếp xúc với virus qua thức ăn đồ uống đã bị nhiễm. Điều này cho thấy việc lây truyền viêm gan A liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Khi nhiễm virus viêm gan A cơ thể sẽ tạo ra các chất chống lại virus này, gọi là kháng thể anti-HAV. Có hai loại anti-HAV: IgM và IgG. Loại IgM xuất hiện từ lúc bệnh khởi phát và thường biến mất trong vòng bốn tháng, nó biểu thị cho tình trạng đang nhiễm hoặc nhiễm gần đây virus viêm gan A. Còn loại anti-HAV IgG thì xuất hiện sau IgM một thời gian ngắn, tồn tại kéo dài trong nhiều năm, nó cho biết quá khứ đã nhiễm virus viêm gan A hoặc đã được chích ngừa virus này.
Kết quả xét nghiệm của bạn cho biết anti-HAV toàn phần, gồm cả IgM và IgG, mà không có kết quả anti-HAV loại IgM, nên dựa vào đó chúng ta không rõ tình trạng nhiễm virus viêm gan A của bạn ở giai đoạn nào. Bạn cũng không cho biết mình có các biểu hiện của viêm gan A như sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da, vàng mắt… hay không (nhưng cũng cần lưu ý là người mắc bệnh viêm gan A cũng có thể không có biểu hiện gì, hoặc các triệu chứng cũng rất mơ hồ).
Men gan (AST, ALT) trong máu tăng cao là dấu hiệu tế bào gan bị tổn thương, hủy hoại, còn nồng độ bilirubin thường tăng khi có tình trạng viêm gây phù nề, dẫn đến chèn ép các đường ống dẫn trong gan. Trường hợp của bạn có men gan và bilirubin đều thuộc khoảng giới hạn bình thường, chứng tỏ gan của bạn hiện tại trong tình trạng tốt. Từ những dữ liệu đó, tôi nghĩ hiện tại bạn không bị viêm gan, và kết quả anti-HAV total của bạn phản ánh tình trạng nhiễm virus trước đó, và bạn đang có miễn dịch với virus này (không bị viêm gan A nếu tiếp xúc lại với virus viêm gan A).
Phòng ngừa các virus viêm gan A, B, C dựa vào đường lây truyền của chúng. Đường lây của virus viêm gan A là qua đường phân, miệng như đã đề cập bên trên, do đó để phòng ngừa cần chú ý vấn đề vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân. Trường hợp của bạn mặc dù không bị nhiễm HAV lại nhưng vẫn cần chú ý đến các vấn đề vệ sinh này vì đây cũng là đường lây truyền cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Việc điều trị viêm gan A mang tính hỗ trợ, nâng cao thể trạng để cơ thể vượt qua giai đoạn cấp của bệnh. Riêng viêm gan B và C ngoài việc điều trị hỗ trợ còn có thể cần dùng một số thuốc đặc trị chống virus tùy theo giai đoạn của bệnh. Atisô có tính lợi mật, có thể dùng hỗ trợ trong điều trị viêm gan nhưng không phải là cách điều trị đặc hiệu.
Tóm lại, bạn không phải quá lo lắng về tình trạng viêm gan A của mình. Lối sống lành mạnh sẽ giúp ích nhiều trong việc phòng ngừa viêm gan B và C.
Theo: tuoitre.vn