Xơ gan

xo-gan

Hình ảnh xơ gan

Chức năng của gan

Gan nằm ở phía bên phải của ổ bụng, có nhiều chức năng:

  • Dự trữ glycogen, tổng hợp glycogen từ các loại đường. Khi cần thiết, glycogen phân hủy thành glucose vào máu.
  • Chuyển hóa protein và lipid từ thức ăn
  • Tổng hợp các vitamin B12, A, D, E, K
  • Tạo ra các yếu tố cần thiết cho quá trình đông máu
  • Chuyển hóa thuốc
  • Chuyển hóa và thải trừ rượu, độc tố khỏi cơ thể
  • Tạo mật giúp tiêu hóa chất béo

Xơ gan là gì?

Xơ gan là bệnh mạn tính gây thương tổn nặng lan toả ở các thuỳ gan. Đặc điểm thương tổn là mô xơ phát triển mạnh, đồng thời cấu trúc các tiểu thuỳ và mạch máu của gan bị đảo lộn một cách không hồi phục được.

Dịch tễ học

Xơ gan có diễn biến lâu dài. Bệnh gan mạn tính kết hợp xơ gan là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ năm 2002. Trong số các bệnh nhân tuổi từ 25 – 64, số ca xơ gan do rượu chiếm hơn một nửa số ca tử vong. Bệnh gan do rượu và viêm gan virut là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan. Khoảng 30% bệnh nhân xơ gan bị biến chứng chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Chảy máu do giãn tĩnh mạch gây ra tỷ lệ tử vong rất cao, 55% bệnh nhân chết vì lần chảy máu đầu tiên. Ở những bệnh nhân sống sót sau lần đầu tiên chảy máu, 60% bị tái phát trong vòng 1 – 2 năm, tỉ lệ tử vong cao trong lần tái xuất huyết. Xơ gan cổ chướng là một dấu hiệu đáng ngại, tỷ lệ tử vong 1 năm sau khi xuất hiện cổ chướng khoảng 50%. Ngoài gây ra tỷ lệ tử vong cao, xơ gan tạo ra gánh nặng khổng lồ cho xã hội, bệnh nhân, chưa kể đến những căng thẳng tinh thần của cả bệnh nhân và gia đình. Sau khi được chẩn đoán xơ gan, tiến triển của bệnh là không ngừng, không phụ thuộc vào nguyên nhân ban đầu. Sự hiểu biết nguyên nhân gây ra xơ gan của bệnh nhân là bắt buộc bởi vì nó ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị và quyết định điều trị.

Nguyên nhân gây xơ gan

  • Viêm gan do virut: virut B, virut B bội nhiễm virut D, virut C (không A, không B). Ở các nước đang phát triển, trẻ em thường lây viêm gan B từ mẹ.
  • Nghiện rượu: uống nhiều và kéo dài nhiều năm. Với những người dùng 80g cồn/ngày đối với nam giới (đối với nữ giới là 20g) trong vòng 10 năm tương đương 330 ml rượu 30 o có thể được coi là một yếu tố phát triển xơ gan.
  • Xơ gan mật thứ phát do tắc mật không hoàn toàn kéo dài, thường kèm theo viêm nhiễm khuẩn đường mật như: trong sỏi mật, dính hẹp ở ống gan, ống mật chủ, viêm đường mật tái phát.
  • Thuốc và hoá chất: Thuốc chữa bệnh gây tổn thương gan: oxyphenisatin (chữa táo bón), clopromazin (chữa bệnh tâm thần), isoniazid, rifampycin (chữa lao). Hoá chất độc hại gan: aflatoxin, dioxin...
  • Thiếu dinh dưỡng: ăn quá thiếu chất đạm, thiếu vitamin, thiếu các chất hướng mỡ (lipotrope) như cholin, lecithin, methionin gây tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó dẫn đến xơ gan.
  • Ký sinh trùng: sán máng, sán lá nhỏ.
  • Xơ gan hậu quả của những hội chứng viêm tắc tĩnh mạch trên gan và tĩnh mạch chủ dưới (hội chứng Budd Chiari), bệnh tắc tĩnh mạch gan.
  • Xơ gan mật nguyên phát: là một bệnh hiếm, hay xảy ra ở phụ nữ (90% số trường hợp) từ 35 - 55 tuổi.
  • Xơ gan lách to kiểu Banti: là bệnh do Banti mô tả năm 1894, xơ gan bắt nguồn từ lách to không rõ nguyên nhân và nếu cắt lách khi gan chưa xơ hoặc xơ nhẹ, sẽ cắt đứt được sự tiến triển đến xơ gan.
  • Xơ gan do những rối loạn chuyển hoá di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt, bệnh Willson (rối loạn chuyển hoá đồng). Bệnh galactoza huyết bẩm sinh (do không chuyển được galactoza trong sữa thành glucoza). Bệnh tính glycogen. Bệnh đặc ứng di truyền với fructoza (không chịu được đường fructoza và saccaroza). Chứng thiếu hụt a -1-antitrypsin. Bệnh nhầy nhớt. Bệnh rối loạn chuyển hoá pocphyrin.
  • Xơ gan sacoit: gặp trong bệnh sarcoidosis.
  • Xơ gan căn nguyên ẩn: có một tỷ lệ không ít, xơ gan không biết nguyên nhân.

Triệu chứng

Dấu hiệu

  • Bệnh nhân xơ gan có thể biểu hiện các triệu chứng không đặc hiệu chẳng hạn như mệt mỏi và yếu nhưng có thể không có triệu chứng cho đến khi có biến chứng.
  • Các triệu chứng không đặc hiệu gồm chán ăn, mệt mỏi, dễ bị bầm tím và chảy máu từ vết thương nhỏ, giảm ham muốn tình dục, và ngứa.
  •  Bệnh nhân có cổ chướng có thể đau bụng, buồn nôn, căng và đầy bụng, khó thở và mau no.
  • Xuất huyết kết hợp với xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây buồn nôn, nôn và nôn ra máu. Bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi, yếu.
  • Có thể bị nhiễm trùng màng bụng tự phát, hôn mê gan (não gan).
  • Dấu hiệu không đặc hiệu trên khám lâm sàng bao gồm vàng da, nước tiểu màu vàng xanh, nhiều vết thâm tím, gan to, lách to, sao mạch, lòng bàn tay đỏ, teo tuyến vú ở nữ, và teo tinh hoàn ở nam.
  • Cổ chướng có thể được phát hiện bằng cách tăng chu vi bụng kèm theo gõ đục.
  • Các dấu hiệu của xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản phụ thuộc vào mức độ mất máu và khởi phát đột ngột. Mất máu nhanh và nhiều có nhiều có thể gây ra sự mất ổn định huyết động. Dấu hiệu chảy máu cấp tính có thể bao gồm xanh xao, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thay đổi trạng thái tâm thần và nôn ra máu .
  • Dấu hiệu của hôn mê gan là giảm nhận thức, nhầm lẫn, thay đổi hành vi, có thể rối loạn hô hấp.
  • Bệnh nhân có nhiễm trùng màng bụng tự phát có thể có sốt, đau bụng, và những thay đổi trong trạng thái tinh thần.
  • Giảm các yếu tố đông máu gây bầm tím và dễ chảy máu.

Xét nghiệm

  • Tế bào gan bị hủy hoại làm men gan (AST, ALT) tăng cao. Trong xơ gan do rượu, AST cao hơn ALT 2 lần.
  •  Phosphatase kiềm và GGT tăng cao liên quan đến đường mật, albumin giảm.
  • Billirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp tăng.
  • Siêu âm gan hoặc soi ổ bụng thấy nhu mô gan không đồng nhất, mặt gan mất tính nhẵn bóng, mấp mô, u cục, màu sắc thay đổi từ đỏ nhạt đến vàng nhạt. Lách to.

Biến chứng

  • Cổ chướng là tình trạng tích lũy dịch bạch huyết ở trong ổ bụng. Đây là triệu chứng sớm và phổ biến nhất của xơ gan. Hầu hết bệnh nhân với cổ trướng lớn cũng giữ natri và có thể giảm natri máu nếu có giảm bài tiết nước. Nếu không được điều trị có thể làm giảm chức năng thận và gây ra hội chứng gan thận.
  • Chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, là một biến chứng hay gặp, rất nguy hiểm, đe doạ tính mạng bệnh nhân. Do chảy máu nặng, thiếu máu cấp tính, gây sốc càng làm suy gan nặng hơn dẫn đến hôn mê gan.
  • Nhiễm trùng màng bụng tiên phát là sự nhiễm khuẩn cấp tính ở dịch ổ bụng mà không có nhiễm trùng ổ bụng hay thủng ruột.
  • Hôn mê gan: biểu hiện giảm/mất nhận thức, rối loạn và thay đổi hành vi.

Điều trị

1. Dinh dưỡng, chế độ ăn uống

Suy dinh dưỡng là vấn đề thường gặp của bệnh nhân xơ gan. Một trong những chức năng quan trọng của gan là giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng dự trữ cho cơ thể, thải trừ độc tố. Chính vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong điều trị xơ gan. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, hạn chế ăn muối. Bệnh nhân xơ gan do rượu cần có số bữa ăn hợp lý và thường xuyên, nên ăn nhẹ vào ban đêm và ăn sáng đầy đủ để cân bằng nitơ trong cơ thể.

Hạn chế ăn:

  • Protein (đạm): protein cần thiết trong trường hợp có cổ chướng hoặc phù. Tuy nhiên ăn quá nhiều proein có thể làm tăng nồng độ amoniac trong máu và gây ra hôn mê gan. Vì vậy cần hỏi bác sĩ xem lượng protein bạn cần là bao nhiêu, có thể ăn protein thực vật (đậu nành) thay vì protein động vật.
  •  Muối: Nếu có cổ chướng, phù, cần ăn nhạt tuyệt đối. Tránh ăn thực phẩm đóng hộp, khô vì nó chứa nhiều muối. Nên ăn thực phẩm tươi sống, hãy thêm chanh, tiêu để tăng hương vị thức ăn.
  • Nhuyễn thể: Tránh ăn sò, ốc sống vì chúng có nhiều vi khuẩn như Vibrio vulnificus có thể gây nguy hiểm cho người bị xơ gan.
  • Không uống rượu bia.

2. Thảo dược

Việc sử dụng thảo dược là một trong những phương pháp lâu đời để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị.

  • Rễ Sài hồ bắc ( Bupleurum chinense ): Người Trung Hoa dùng rễ bupleurum với tác dụng chống viêm, giảm đau, điều trị rối loạn chức năng gan. Trong các nghiên cứu gần đây, chiết xuất rễ bupleurum đã làm giảm nguy cơ ung thư ở những người xơ gan.
  • Rễ cam thảo (Glycyrrhiza glabra): Cam thảo đã được sử dụng trong y học cả phương Đông và phương Tây để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh gan. Một số dữ liệu sơ bộ từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho thấy rằng glycyrrhizin (một hoạt chất của rễ cam thảo) cùng với cysteine ​​và glycerine có thể giúp giảm nguy cơ xơ gan nếu bạn bị viêm gan C. Những người có huyết áp cao hoặc những người sử dụng corticoid, digoxin, thuốc lợi tiểu, warfarin (Coumadin) không nên dùng cam thảo. Phụ nữ mang thai tránh dùng cam thảo.
  • Cây kế (Silybum marianum), họ hoa cúc: Nhựa cây đã được sử dụng từ thời Hy Lạp - La Mã để điều trị các vấn đề về gan. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy một chất trong cây (silymarin) có thể bảo vệ gan khỏi bị hư hại gây ra bởi virus, độc tố, rượu, và một số loại thuốc như acetaminophen.
  • Cà gai leo (Solanum hainanense): Dùng trị rắn độc cắn, giải độc rượu, bia, chống say tàu xe. Hiện nay Cà gai leo đã được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng điều trị viêm gan do virus, xơ gan và ung thư gan. Cà gai leo được PGS.TS Phạm Kim Mãn, TS Nguyễn Thị Minh Khai – Viện dược liệu trung ương nghiên cứu từ những năm đầu của thập kỷ 90.
  • Mật nhân (Eurycoma longifolia): Theo kinh nghiệm dân gian vỏ thân mật nhân được dùng chữa trong các trường hợp ăn uống khó tiêu, nôn mửa, đầy bụng, tiêu chảy, gần như hậu phác, còn dùng chữa sốt rét, giải độc do uống rượu nhiều, chữa đau lưng mỏi gối do thấp. Tác dụng lợi mật, bảo vệ gan và thải trừ độc tố khỏi cơ thể rất mạnh.

3. Thuốc điều trị

  • Nhóm thuốc làm cải thiện chuyển hóa tế bào gan: Glucose (uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch), vitamin nhóm B, C, acid folic, acid lipoic.
  • Testosteron tiêm để tăng đồng hóa đạm.
  • Glucocorticoid dùng trong giai đoạn tiến triển của xơ gan do rượu và xơ gan do ứ mật. Không dùng khi có cổ chướng, phù to, vàng da nặng, viêm loét ống tiêu hóa.
  • Truyền albumin nếu albumin huyết tương giảm (
  • Phòng biến chứng hôn mê gan: dùng kháng sinh ngắn ngày ciprofloxacin, hoặc metronidazol hoặc neomycin, lactulose. Khi có biểu hiện của hôn mê gan nên chọn các dung dịch đam có các acid amin có khả năng vận chuyển amoniac để làm giảm NH3 máu như ornicetin, arginin, coenzym A.
  • Truyền máu hoặc chế phẩm máu khi có rối loạn đông máu.
  • Điều trị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: Cầm máu (vasopressin, somatostatin, octreotide,terlipressin), truyền máu truyền dịch đảm bảo khối lượng tuần hoàn, cầm máu qua nội soi (tiêm xơ, bóng chèn, TIPs)
  • Thuốc dự phòng xuất huyết: Dự phòng xuất huyết tái phát là cần thiết: Chẹn beta giao cảm không chọn lọc (propranolol, nadolol), thuốc giãn mạch thuộc nhóm nitrat (isosorbit mononitrat)
  • Thuốc hỗ trợ cai rượu: Cai rượu đã được chứng minh là giảm áp lực tĩnh mạch chủ và làm chậm quá trình phát triển xơ gan, và để cải thiện triệu chứng ở tất cả các giai đoạn bệnh xơ gan do rượu. Một số thuốc hỗ trợ cai rượu: Disulfiram, naltrexone, acamprosate.

theo suckhoedoisong 10/1/2013


 

Chủ đề xơ gan

Sản phẩm tuệ linh