Vài nét về bệnh Xơ gan
Bệnh xơ gan đựợc công bố lần đầu tiên vào năm 1819 do nhà lâm sàng học người Pháp R.T.Laennec mổ tả khi mổ tử thi ở người lính nghiện rượu. Năm 1891 Banti đã mô tả xơ gan có xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là lách to.
Xơ gan là bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế Giới (1978) thì tỉ lệ tử vong do xơ gan ở các nước dao động từ 10 đến 20/100.000 dân.
Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật người ta càng ngày càng hiểu rõ hơn về căn bệnh xơ gan. Tuy nhiên, đây vẫn là bệnh cần tiếp tục nghiên cứu. Hội nghị quốc tế nghiên cứu bệnh gan đã thống nhất xơ gan đựợc xem xét như một quá trình lan tỏa với xơ hóa, đảo lộn cấu trúc bình thường của gan, dẫn tới hình thành các nhân có cấu trúc không bình thường.
Xơ gan là gì?
Trong cơ thể chúng ta, gan là một tuyến lớn nhất, có màu đỏ nâu, mặt nhẵn, mật độ mềm, gan người lớn nặng khoảng 1 1,2 đến 1,5 kg.
Xơ gan là hậu quả của tình trạng tế bào gan bị thoái hóa, hoại tử, còn tổ chức xơ phát triển rất mạnh.
Xơ gan có hai dạng: xơ gan to hoặc gan teo nhỏ chỉ còn nặng 500 gam, mật độ chắc cứng, màu sắc thay đổi từ đỏ nhạt đến vàng nhạt, mặt gan mất tính chất nhẵn bóng, lần sần hoặc mấp mô do có các nhân.
Xơ gan thường tiến triển qua hai giai đoạn
- Xơ gan tiềm tàng hay xơ gan còn bù ( giai đoạn sớm) : Ở giai đoạn này, gan có khả năng bù trừ và sinh sản lớn.
- Xơ gan mất bù( giai đoạn muộn)
Dấu hiệu xuất hiện giai đoạn mất bù?
Tùy từng tình trạng, cơ thể người bệnh mà giai đoạn xơ gan mất bù đến sớm hay muộn. Khi đã phát hiện xơ gan, cơ thể suy nhược giảm sút rõ rệt, giảm khả năng làm việc, kèm theo đầy bụng, trướng hơi, ăn uống kém nhiều, tăng lên, báo hiệu giai đoạn xơ gan mất bù. Một hoặc cả hai chân lại phù, mềm, khi ấn vào thì có vết lõm, khoảng 1-2 phút sau vết lõm mới biến mất.
Da ban đầu có thể vàng kín đáo, sau đó ngày càng vàng đậm lên. Nhưng môi, lưỡi, niêm mạc mắt thì nhợt nhạt. Có thể kèm theo chảy máu chân răng. Chảy máu cam cũng là một dấu hiệu trong xơ gan mất bù.
Bụng người bệnh càng ngày càng to, da bụng căng do trong ổ bụng có chứa nhiều dịch màu vàng chanh ( từ 3 đến 10 lít). Xuất hiện những mạch máu nổi lên rõ rệt ở trên da bụng vùng trên rốn và hai bên mạn sườn, khi nằm nhìn không rõ nhưng khi ngồi dậy thì các mạch máu nổi rõ hơn. Đây là biểu hiện của tuần hoàn bàng hệ, xuất hiện cùng với cổ trướng.
Khi bác sĩ khám bụng, sẽ có lách to mấp mé dưới sườn tới vài cm .
Chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù
Trong giai đoạn xơ gan tiến triển cần nghỉ ngơi tuyệt đối để giảm đòi hỏi của cơ thể với các hoạt động của chức năng gan.
Trong bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân xơ gan mất bù, cung cấp các thực phẩm giàu calo. Chú ý là cần hạn chế những thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng..(đề phòng nguy cơ hôn mê gan), tăng những thực phẩm giàu glucid như ngô, khoai, đậu đỗ. Khuyến khích người bệnh ăn hoa quả tươi, đặc biệt là những hoa quả giàu kali như đu đủ, hồng xiêm, chuối… bổ sung kali , các vitamin cần thiết cho cơ thể. Hạn chế mỡ và ăn nhạt. Tuyệt đối không đựợc uống rượu bia, các thuốc có độc cho gan như paracetamol .
Nước uống hàng ngày cho bệnh nhân dùng nước nhân trần hoặc atiso, rất có lợi cho gan và mật.
Khi chân bệnh nhân bị phù, có thể kê cao chân bệnh nhân lên gối, chăn. Hỗ trợ cùng với thuốc lợi tiểu, làm như thế sẽ giảm phù nhanh hơn.
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc làm cải thiện chuyển hóa tế bào gan, truyền albumin 10 -20 % , plasma tươi hoặc các dung dịch đạm như moriamin, alvezin, bestamin…. Đối với trình trạng ứ đọng dịch ở ổ bụng, sẽ có chỉ định chọc tháo dịch tùy trên tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ cho làm.
Xơ gan mất bù sống được bao lâu?
Tất cả những can thiệp trên cơ thể người bệnh : thuốc, chế độ ăn, hay các thủ thuật chọc tháo dịch đều mục đích là cải thiện tình trạng xơ hóa của gan.Nếu cơ thể đáp ứng tốt với chế độ điều trị,ở giai đoạn xơ gan mất bù này, thì mức độ xơ hóa tế bào gan sẽ giảm, kéo dài thời gian sống của người bệnh. Thực tế, xơ gan kéo theo nhiều biến chứng làm cho tình trạng của người bệnh càng trầm trọng hơn.
Biến chứng của xơ gan mất bù
- Xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch thực quản, chảy máu nhiều nơi: ngoài da, chân răng lợi hoặc chảy máu lan tràn ống tiêu hóa gây đi ngoài phân đen. Đây là tình trạng nặng. Ở giai đoạn xơ gan mất bù, bệnh nhân đi vào hôn mê và tử vong.
- Có tới 70 – 80% người bệnh ung thư gan, trước đó đã bị xơ gan.
- Người bệnh rất dễ bị nhiễm khuẩn như viêm phổi,lao phổi, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây ỉa chảy. Khi bị nhiễm khuẩn, dễ làm cho tình trạng xơ gan nặng hơn.
- Xơ gan mất bù thường dễ mắc suy thận cấp, tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Cũng cần nhắc lại là, thời gian sống của bệnh nhân xơ gan giai đoạn mất bù , phụ thuộc vào chế độ điều trị và đáp ứng của người bệnh. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi theo đúng hướng dẫn, đề phòng xảy ra các biến chứng thì tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ có tiến triển theo hướng tốt hơn.
Thu Huyền biên soạn