Những cây thuốc, vị thuốc nam dùng để nhuộm răng đen

“Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián.  

hoa-hoi

Hoa hồi

Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Hữu Ngọc chủ biên, Vũ Văn Chuyên… Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau: “Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hoà giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng.

Răng đen đã đi vào ca dao:

Răng đen ai nhuộm cho mình

Để duyên mình đẹp cho tình anh say

Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bõ công trang điểm má hồng, răng đen

Thành ngữ: Răng đen hạt na.

Tạp chí Việt Nam Cultural Window số 6 và 7 tháng 9 và 10 1998 trang 38 bài Blackened teeth, tóm tắt nội dung như sau: Nhuộm răng đen ở Việt Nam Nhai trầu là một phong tục lâu đời. Người nhai trầu nhổ ra một nước đỏ sẫm. Nước này dần dần làm cho răng có mầu đỏ nâu. Điêu tra ở làng Bạch Cốc, xã Thanh Lợi, tỉnh Hà Nam vào táng 8-1996 cho thấy dân ở lứa tuỏi 35 – 50 nhai trầu nhưng không nhuộm răng đen, hoặc do bắt chước mẹ và bà, hoặc để ấm khi làm đồng vào mùa đông. Muốn có răng đen như hạt na thì phải nhuộm.

1. Làm sạch răng: Trong 3 ngày liền, sau mỗi bữa ăn, người ta làm sạch răng với vỏ quả cau và bột than củi, sau đó súc miệng với nước pha dịch chanh hay giấm và nước gạo và giữ vài lát chanh trong miệng một thời gian dài.

2. Nhuộm đỏ răng: Trong 3 đến 10 đêm liền một bột thuốc nhuộm đỏ bao gồm cánh kiến trộn với dịch chanh hay giấm và nước gạo được đun nóng rồi phết lên 2 miếng lá chuối hoặc 2 tờ giấy bản rồi đắp lên bề mặt của 2 hàm răng và ngậm miệng suốt đêm. Sáng hôm sau súc miệng với nước muối. Sau đó thì răng có màu đỏ nâu. 3

. Nhuộm răng đen: Tiến hành trong 3 đêm. Thuốc nhuộm gồm sulfat sắt trộn với vỏ quả lựu, vỏ quế, hoa hồi và đinh hương, hoặc sulfat sắt, cánh kiến, cam thảo, cau, rễ cây gỗ “bạch chỉ”, rễ cây sậy, địa hoàng và nhựa cây gỗ đàn hương. Tất cả xay thành bột, trộn với nước và nước gạo đun sôi rồi ninh nhỏ lửa với bột nếp thêm vào sau được một thứ keo đen thơm. Cách nhuộm giống như nhuộm đỏ.

4. Bảo vệ màu. Quá trình này mất 4 ngày bao gồm đun sọ dừa trên một ngọn lửa than củi nóng để có một nước màu đen nổi lên trên. Nước này trải trên lưỡi dao trong vài giờ sau đó đắp lên răng. Bề mặt của răng trở nên đen bóng. Hoặc bao gồm sulfat sắt, sulfat đồng, cam thảo, quả cau, rễ cây gỗ Bạch chỉ và rễ sậy.

5. Duy trì răng đen. 2 – 3 năm một lần, nhuộm lại, mỗi lần 5 phút để sửa lại màu đen bóng của răng. Người nhuộm răng mới đầu dễ bị viêm lợi và môi và phải kiêng ăn thức ăn béo, nóng và rắn để đảm bảo sự dính kết tốt nhất của keo trên bề mặt răng.

1. Cánh kiến đỏ: là một loại rệp. Tên khoa học: Laiccifer lacca Merr. Họ Cánh kiến đỏ Lacciferidae. Nhựa là tổ của rệp cánh kiến đỏ, có màu nâu cánh gián trông như những hạt kê kết lại thành từng mảng bao bọc quanh cành cây. Bên trong tổ có màu đỏ tía. Trong nhựa cánh kiến đỏ chủ yếu là các chất cao phần tử do lactit của acid shellolic và acid aleuritic. Chất màu của cánh kiến đỏ chủ yếu là acid laccaic, một dẫn xuất của anthraquinon màu đỏ. Nhựa cánh kiến đỏ là nguyên liệu chính của shellac pha vào vécni để sơn.

2. Phèn đen: sulfat sắt. Cây phèn đen, tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Dịch lá dùng chữa trị răng lợi bị thương. Chảy máu nướu răng: dùng lá phèn đen phơi khô rồi ngậm.

3. Vỏ quả lựu: Tên khoa học của cây lựu: Punica granatum L. họ Lựu Punicaceae.Vỏ quả lựu đông y gọi là Thạch lựu bì, tên latinh: Pericarpium Granati. Chứa granatin, acid betulic, acid ursolic, isoquercetin. Dùng trị lỵ ra huyết, đái ra máu, băng huyết.

4. Quế chi: vỏ cành cây quế Cinnamomum cassia Presl. Họ Long não Lauraceae vỏ giàu tanin và chứa tinh dầu có nhiều acid cinnamic. Mùi thơm.

5. Hoa hồi. Cây hồi Illicium verum Hook.f.et Thoms. Họ Hồi Illiciaceae. Bộ phận dùng: quả hồi, chứa nhiều tinh dầu có anethol, ta quen gọi là “Hoa hồi” dùng làm thơm thuốc đánh răng.

6. Đinh hương: nụ hoa khô của cây đinh hương Sizygium aromatium (L.) Merr. et Perry = Eugenia caryophyllata L. họ Sim Myrtaceae. Tinh dầu chứa eugenol dùng trong nha khoa làm thuốc tê và diệt tuỷ răng.

7. Vỏ quả cau. Cây cau Areca catechu L. họ Cau Arecaceae. Đông y gọi vỏ quả cau là Đại phúc bì tên latim Pericarpium Arecae. Chứa arecolin, guvacolin, guvacin. Dùng làm thuốc trong Y học cổ truyền.

8. Cam thảo. Glycyrrhiza uralensis Fisch. Họ Đậu Fabaceae. Rễ chứa glycyrrhizin. Có vị ngọt.

9. Rễ cây gỗ Bạch chỉ. Vị bạch chỉ Angelica dahurica (Fisch. Et Hoff) Benth. et Hook. f. Họ Hoa tán Apiaceae là cây thảo cao 1m còn cây gỗ Bạch chỉ là Bạch chỉ nam Milletia pulchra Kurz. Họ Đậu Fabaceae. Cây to, cao 5 – 7m. Bộ phận dùng là rễ củ. Củ tươi mài với nước gạo nước cơm bôi trị chảy máu.

10. Rễ cây sậy. Tên khoa học Phragmites communis (L.) Trin. Họ Lúa Poaceae. Rễ có tên là Lô căn. Loài sậy núi Arundo donax L. Họ Lúa Poaceae. Thân rễ chữa đau răng. Măng sậy núi dùng trị đau răng.

11. Địa hoàng. Rehmannia glutinosa Libosch. Họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae. Bộ phận dùng: rễ củ, sống gọi là sinh địa, chế biến gọi là thục địa, có màu đen nhánh. Làm đen râu tóc.

12. Nhựa cây gỗ đàn hương. Santalum album L. Họ Đàn hương Santalaceae. Lõi gỗ chứa tinh dầu có santalol. Để trám răng người ta dùng nhựa sấy khô của cây giáng hương Pterocarpus macrocarpus Kurz họ Đậu Fabaceae hoặc của cây giáng hương Ấn Pterocarpus indicus Willd, cùng họ. Nhựa trích từ cây có màu đỏ sẽ đông cứng sau vài giờ thường được gọi là kino. Nhựa kino chứa một tanin riêng biệt là acid kino-tannic và 1 chất màu đỏ. Dùng để trám răng.

13. Nước cốt dừa. Cocos nucifera L. họ Cau Arecaceae. Nước dừa tên latin Lac Cocoris. Nước dừa là một dung dịch đẳng trương gồm chủ yếu là Glucoz fructoz, rất ít saccaroz. Làm đen tóc. Nước dừa vô trùng dùng làm dịch truyền tĩnh mạch.

Chú ý: Ở Nhật Bản người ta xưa kia cũng có phong tục nhuộm răng đen, bằng một vị gọi là Ngũ bôi tử. Tên latin là Galla sinensis. Đó là những túi đặc biệt do nhộng của con sâu ngũ bôi tử Schlechtendalia sinensis Bell gây ra trên cây muối Rhus semi alata Murray họ Đào lộnhột Anacardiaceae. Chứa tanin gọi là acid galotanic. Khi chất tanin của ngũ bôi tử tác dụng lên feric clorua sẽ cho màu lam đen. Dung dịch 5 – 10% dùng súc miệng để điều trị các vết loét trong miệng. Xem thêm: Cây thuốc Nam

Vũ Văn Chuyên

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh