Bò mắm là loại cây thảo, sống nhiều năm, thân có lông, cành mềm. Lá mọc so le, có khi mọc đối, gân toả từ gốc, có lông cả hai mặt. Hoa màu trắng, ra hoa vào tháng 7, không có cuống, mọc thành xim co ở kẽ lá. Quả hình trứng nhọn, màu hồng tím, có lông. Cây mọc hoang khắp mọi nơi, mọc nhiều ở hàng rào. Nhân dân thường thu hái cây, lá, bông Bò mắm về dùng tươi hay phơi, sấy khô.
Cây Bò mắm có tên khoa học: Pouzolzia zeylanica (L) Benn. (Pouzolzia indica Gaud). Thuộc họ Gai (Urticaceae). Tên nhân dân thường gọi là cây Thuốc dòi.
Theo Đông y: Cây Bò mắm (Thuốc dòi) có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho dai dẳng, ho sơ nhiễm lao, ho lao, viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, còn dùng chữa tiêu viêm. Liều dùng ngày 10 – 20g sắc nước uống chữa các bệnh về hô hấp (phổi – lao phổi – viêm đường hô hấp trên – Khí phế quản – thanh quản – viêm họng…) hoặc thu hái nhiều về nấu thành Cao bò mắm.
Bò mắm giã nát đắp chữa đinh nhọt, viêm mũi, viêm sưng vú, vết bầm tụ máu…
Thật quý với các chị em chuyên việc muối cá, tôm, làm nước mắm… khi thấy có dòi, họ tìm ngay cây Bò mắm giã nhỏ bỏ vào thạp muối mắm, tôm đậy nắp kín… Sau 2 – 3 ngày, tháo nắp, dòi sẽ hết… Có lẽ từ kinh nghiệm dân gian ấy mà cây Bò mắm có tên cây Thuốc dòi. Qua kinh nghiệm trong dân gian, chúng ta nên mạnh dạn thu hái cây Bò mắm hoặc nghiên cứu trồng đại trà cây Bò mắm để có thể đưa vào chế biến theo công nghệ Dược hợp lý, an toàn cho bệnh nhân, có thuốc điều trị các bệnh về phổi, lao phổi về đường hô hấp.
Xem thêm: Cây thuốc Nam
Theo:Caythuocquy