Thanh quản là một cấu trúc giải phẫu gồm sụn, cơ và niêm mạc tạo thành đầu trên cùng của khí quản. Nằm trong thanh quản là những dây thanh âm – 2 nếp gấp của niêm mạc che phủ cơ và sụn. Bình thường các dây thanh âm đóng mở trơn tru, tạo nên âm thanh nhờ sự chuyển động và rung. Các dây thanh âm có thể bị viêm do hoạt động quá sức, do kích thích hoặc nhiễm trùng.
Dấu hiệu và triệu chứng
- Cảm giác vướng, ngứa và rát trong cổ.
- Khản giọng
- Mất tiếng
- Đau họng
- Khô họng
- Ho khan
Nguyên nhân
Nguyên nhân của viêm thanh quản cấp bao gồm nhiễm virus (cảm lạnh, cúm, viêm phổi….), nhiễm vi khuẩn (bạch hầu….).
Nguyên nhân của viêm thanh quản mạn tính gồm:
- Kích ứng thường xuyên do hút thuốc lá, uống rượu, trào ngược dạ dày.
- Loét dây thanh âm
- Khối u (polyp hoặc hạt) ở dây thanh âm
- Chùng dây thanh âm do tuổi già
- Liệt dây thanh âm, có thể do chấn thương, đột quị hoặc khối u phổi.
Xét nghiệm và chẩn đoán
- Soi thanh quản bằng mắt thường hoặc bằng máy soi thanh quản để quan sát chuyển động của dây thanh âm khi nói.
- Sinh thiết vùng nghi ngờ tổn thương.
Điều trị
- Viêm thanh quản do virus: điều trị chủ yếu là cố gắng giảm nói để dây thanh âm nghỉ ngơi, tránh chất gây kích thích, có thể xông mũi họng bằng hơi nước ấm. Ở trẻ nhỏ bị viêm thanh quản kèm theo ho nhiều, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticoid như dexamethasone.
- Với viêm thanh quản mạn tính có liên quan với các chứng bệnh khác như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hút thuốc lá hoặc uống rượu, cần điều trị bệnh nguyên nhân.
- Ở người nghiện thuốc lá, khàn giọng dai dẳng có thể là một dấu hiệu của ung thư vòm họng, cần được khám và phát hiện càng sớm càng tốt.
Phòng bệnh
- Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá do người khác hút. Khói thuốc làm khô họng và gây kích ứng dây thanh âm.
- Uống nhiều nước. Nước giúp giữ cho niêm mạc thanh quản được trơn nhẵn và sạch
- Hạn chế rượu và caffein để đề phòng khô họng.
- Tránh khạc, động tác này khiến dây thanh âm rung bất thường và có thể làm tăng phù nề. Khạc nhổ còn làm cho họng tiết nhiều chất nhày hơn và bị kích ứng hơn, càng làm cho người bệnh muốn khạc nhiều hơn.