Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ có hình ngón tay, một đầu dính vào đại tràng và thường nằm ở góc bên phải phía dưới của ổ bụng (hố chậu phải). Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và chứa đầy mủ.
Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng hay gặp nhất là đau âm ỉ quanh rốn và sau đó khu trú ở hố chậu phải. Khi các tổ chức xung quanh ruột thừa cũng bị viêm, đau có thể trở nên rõ ràng và dữ dội hơn.
Những triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:
- Buồn nôn và đôi khi có nôn
- Chán ăn
- Sốt nhẹ sau khi các dấu hiệu và triệu chứng khác xuất hiện
- Táo bón
- Không trung tiện
- Tiêu chảy
- Chướng bụng
Nguyên nhân
Nguyên nhân của viêm ruột thừa còn chưa rõ. Đôi khi viêm ruột thừa là hậu quả của tình trạng bã thức ăn hoặc sỏi phân bị mắc kẹt trong lòng ruột thừa. Ruột thừa có thể bị viêm sau một nhiếm trùng (vi khuẩn hoặc virus), khiến cho vi khuẩn thâm nhập nhanh chóng làm ruột thừa bị viêm và đầy mủ. Nếu không được điều trị đúng, ruột thừa có thể bị vỡ.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Chẩn đoán viêm ruột thừa trên lâm sàng chủ yếu dựa vào sờ nắn để phát hiện các dấu hiệu phản ứng thành bụng và co cứng thành bụng. Ngoài ra một số xét nghiệm sau có thể giúp cho chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: tăng số lượng bạch cầu là một dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng
- Xét nghiệm nước tiểu để loại trừ nguyên nhân đau bụng do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
- Xét nghiệm hình ảnh. Chụp X quang bụng hoặc siêu âm sẽ giúp xác nhận chẩn đoán viêm ruột thừa hoặc phát hiện các nguyên nhân khác gây đau. Chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng được sử dụng trong chẩn đoán viêm ruột thừa.
Biến chứng
Biến chứng nặng nề nhất của viêm ruột thừa là vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Khi ruột thừa bị vỡ, bệnh nhân đột nhiên thấy đỡ đau, nhưng ngay sau đó bụng trở nên chướng, căng và đau lan ra khắp bụng chứ không khu trú ở vùng hố chậu phải nữa. Ngoài ra bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao, khát nước và tiểu ít. Viêm phúc mạc ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa rất nặng đòi hỏi phải được xử trí kịp thời.
Điều trị
Viêm ruột thừa cấp cần được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Việc cắt ruột thừa có thể được thực hiện qua đường mổ mở hoặc bằng phẫu thuật nội soi. Nhìn chung phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và ít để lại sẹo. Tuy nhiên nếu ruột thừa đã vỡ và gây viêm phúc mạc thì cần đường mổ mở đủ lớn ở thành bụng để kiểm tra và rửa sạch toàn bộ ổ bụng. Sau mổ bệnh nhân được dùng kháng sinh đường tĩnh mạch và theo dõi tại bệnh viện cho đến khi liền vết mổ.