Siêu vi viêm gan C (HCV) là một siêu vi truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là siêu vi Viêm Gan không phải A hoặc B (non-A/non-B hepatitis). Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên. Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong số 10 – 25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10 – 40 năm. Bài viết này hi vọng giúp các bạn hiểu rõ về viêm gan C và những ảnh hưởng của bệnh này đối với cơ thể và tinh thần của bạn.
Cách lây truyền virus viêm gan C
Virus viêm gan C lây lan bằng sự tiếp xúc trực tiếp qua máu. Ðường truyền bệnh bao gồm việc dùng chung các vật dụng ma túy như kim chích, đồ nấu ma túy, dây cầm máu, ống hút, ống píp, v.v… Kim dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu cũng có thể truyền HCV. Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, hay dũa móng tay tuy ít nguy cơ nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm bệnh.
Trước năm 1992, nhiều người đã bị nhiễm HCV qua máu hoặc do nhận máu của người khác. Ðến năm 1992, cách thử máu đáng tin cậy để xác định kháng thể HCV được xử dụng. Và từ đó các nguồn cung cấp máu được thử nghiệm. Ngày nay, tỷ lệ lây nhiễm HCV do truyền máu bị nhiễm rất thấp, dưới 0.01%. Một số ít (khoảng 1% – 3% người có liên hệ tình dục khác phái tính, một vợ một chồng) có thể bị lây nhiễm HCV do sự liên hệ tình dục không an toàn. Những người thuộc các nhóm có “nguy cơ mắc bệnh cao” (như đàn ông đồng tính, mãi dâm, người có nhiều bạn tình, người mang bệnh lây qua đường tình dục) thường dễ bị nhiễm HCV qua đường tình dục hơn.
Các nhân viên y tế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh vì những tai nạn việc làm như bị kim đâm hoặc trong những trường hợp không thể tránh được có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang bệnh.
Khoảng 5% những bà mẹ bị HCV có thể truyền bệnh cho con vào lúc trước hoặc trong khi sinh nở. Sự lây truyền này tùy thuộc vào mức độ HCV có trong máu của bà mẹ. Phần lớn những sản phụ bị đồng nhiễm HBV hoặc HIV có thể sẽ truyền HCV qua em bé. Vài cuộc khảo sát cũng tìm thấy HCV trong sữa mẹ, nhưng sự truyền bệnh qua việc cho con bú rất hiếm.
Có đến 10% người có HCV không xác định được tại sao họ bị mắc bệnh.
HCV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hằng ngày như ăn chung bàn, uống chung ly nước, ôm, hắt hơi, hoặc ho.
Cách Phòng Ngừa viêm gan siêu vi C
Bạn không nên dùng chung kim chích, các dụng cụ chích ma túy hoặc bất cứ vật dụng cá nhân, dao cạo, bàn chải răng, đồ cắt hoặc dũa móng tay, hoặc bất cứ thứ gì có thể dính máu. Phải sát trùng đúng cách những dụng cụ dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu. Ngày nay đa số những người làm công việc trên đều sử dụng kim dùng một lần (vất đi sau khi dùng). Nên băng bó mọi vết cắt, vết thương. Mặc dù bệnh rất hiếm khi lây lan qua đường tình dục, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách áp dụng các phương pháp giao hợp tình dục an toàn, như dùng bao cao su và màng chắn. Theo Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC), nếu quan hệ tình dục của bạn chỉ với một người, thì bạn không cần thay đổi thói quen tình dục. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận với người người bạn tình của bạn nếu người đó quan tâm về việc lây nhiễm bệnh.
Phụ nữ bị HCV nên tránh quan hệ tình dục trong lúc có kinh nguyệt. Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa bệnh vì nướu răng bị chảy máu cũng là một cách lây nhiễm bệnh.
Nếu bạn bị HCV, hãy nói cho bác sĩ, nha sĩ, và các chuyên viên y tế biết. Các nhân viên y tế phải theo đúng các tiêu chuẩn phòng bệnh khi xử lý máu.
Phụ nữ bị HCV nếu nghĩ rằng mình sắp mang bầu nên nói cho bác sĩ biết.
Những Triệu Chứng của Viêm Gan C
Nhiều người không có hoặc có một ít triệu chứng trong giai đoạn nhiễm HCV cấp tính. Phần lớn các người mang bệnh HCV kinh niên cũng không có triệu chứng nào và vẫn sống gần như bình thường. Tuy nhiên, những người khác có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp. Một số người lại có những triệu chứng như bị cảm cúm nặng, cũng như vàng da và mắt bị đục, nước tiểu đậm. Sau một thời gian (thường là nhiều năm hoặc vài chục năm), người có bệnh HCV kinh niên có thể có những triệu chứng liên quan đến hư gan. Viêm Gan C kinh niên có thể liên quan đến nhiều triệu chứng khác
Cách chuẩn đoán viêm gan C
Khám chuyên khoa gan
Sau khi xác nhận đang có quá trình viêm gan, nên làm thêm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan
- Siêu âm gan: Nhằm nghiên cứu cấu trúc của gan và các bộ phận xung quanh, tìm dấu hiệu xơ gan hoặc biểu hiện bất thường khác.
- Sinh thiết gan: Xét nghiệm này cho phép các chuyên gia quan sát tế bào gan dưới kính hiển vi, xác định mức độ viêm nhiễm, chẩn đoán giai đoạn bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị.
- Xét nghiệm HCV RNA: Phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, đồng thời định danh dưới nhóm để lựa chọn phác đồ hợp lý. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng tốt với điều trị.
Cách Phát Triển của Viêm Gan C
Sau khi bị nhiễm HCV, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 26 tuần. Giai đoạn đầu gọi là nhiễm bệnh cấp tính. HCV cấp tính thường chấm dứt sau 2 đến 12 tuần. Tuy nhiên, có đến 80% số người mới bị nhiễm bệnh cơ thể của họ không loại trừ được hết siêu vi nên trở thành bệnh kinh niên. Ða số người có viêm gan C kinh niên không hề có triệu chứng nào và vẫn có một cuộc sống gần như bình thường. Nhưng trong số 10% đến 25% người có bệnh kinh niên, bệnh vẫn âm thầm phát triển suốt trong khoảng 10 đến 40 năm. HCV kinh niên có thể dẫn đến hư gan, mô sợi phát triển trong gan (fibrosis), tụ mỡ trong gan (steatosis), xơ gan (cirrhosis), và ung thư gan. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải được thay gan.
Xơ gan (Cirrhosis) là một quá trình trong đó các tế bào gan bị hư hoặc bị hủy đi và được thay thế bằng các vết sẹo. Việc các vết sẹo hình thành một cách rộng lớn sẽ cản trở việc lưu thông của máu qua gan, khiến các tế bào gan chết nhiều thêm và chức năng của gan bị suy thoái.
XƠ GAN NHẸ (COMPENSATED CIRRHOSIS) có nghĩa là gan bị sẹo nhiều nhưng vẫn duy trì được đa số các chức năng; người mang bệnh xơ gan nhẹ biểu lộ một số ít hoặc không biểu lộ bất cứ triệu chứng nào.
XƠ GAN NẶNG (DECOMPENSATED CIRRHOSIS) có nghĩa là gan bị sẹo một cách rộng lớn và không còn duy trì được các chức năng. Những người mang bệnh xơ gan nặng thường có những triệu chứng như tĩnh mạch trướng (chứng giãn và yếu tĩnh mạch) trong thực quản và bụng, chảy máu nội tạng, sưng cổ trướng (tích tụ nước) và những tình trạng khác nguy hiểm đến tính mạng. Họ cũng có thể tạm thời bị rối trí.
Ung thư gan (Liver Cancer) thường phát triển vào những giai đoạn cuối của bệnh viêm gan C, thông thường là sau 25 đến 30 năm. Loại ung thư gan do viêm gan C gây ra gọi là primary hepatocellular carcinoma (HCC).