Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường xuất hiện ở người đã qua tuổi trung niên (40-50 tuổi); yếu tố nguy cơ là làm việc ở tư thế cúi, cử động nhiều ở vùng đầu cổ, cường độ lao động cao. Những người dễ bị thoái hóa đốt sống cổ nhất là thợ cấy, thợ cắt tóc, nha sĩ, thợ sơn trần, diễn viên xiếc…
Tùy theo loại bệnh, có thể trong một thời gian dài, người bệnh không thấy có cảm giác khác thường. Sau đó, những triệu chứng sau xuất hiện:
– Các động tác cổ bị vướng và đau; có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ.
– Cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên.
– Khám chỉ thấy các cử động ở cổ bị hạn chế (nặng); có thể cảm giác cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, chụp X-quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương.
– Với chứng thoái hóa đốt sống cổ ở cao (đoạn C1- C2 – C4), người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt.
Để đề phòng hiện tượng “gãy”, trật khớp mỏm nha gây liệt tứ chi hoặc tử vong, người bệnh tuyệt đối không được “vặn”, “ấn cổ”, không nên nằm gối đầu quá cao .
Thoái hóa đốt sống cổ gây tổn thương vào lỗ tiếp hợp, có thể gây rối loạn tuần hoàn não. Người bệnh cần được thăm khám lâm sàng thần kinh kết hợp với thăm dò siêu âm để xử trí kịp thời.
Về điều trị, trước tiên, cần loại trừ chứng đau gáy chẩm, đau gáy bả vai, cánh tay do u hố sau, u tủy cổ. Khi đã xác định bệnh, cần điều trị thoái hóa, chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường và xoa – gõ vùng gáy, mặt, bụng.
Nên dùng thêm vitamin E (400 UI/ngày). Kết hợp điều trị phục hồi chức năng chung của toàn cơ thể (nhất là đối với người cao tuổi) với các hình thức thư giãn, sinh hoạt câu lạc bộ. Đối với người có nghề nghiệp dễ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, cần phân phối đều giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn, các xoa bóp phục hồi chức năng (nhất là các diễn viên xiếc).
TS Nguyễn Chương , Sức Khỏe & Đời Sống