Nhu cầu calci ở trẻ bao nhiêu là đủ, thực phẩm nào chứa nhiều calci và nếu lạm dụng sẽ dẫn đến biến chứng gì? Đó là những câu hỏi rất nhiều bà mẹ quan tâm.
Nếu hấp thu đủ calci, trẻ sẽ có khung xương chắc khỏe khi trưởng thành. Ngược lại, thiếu calci kéo dài sẽ dẫn đến dễ bị còi xương, chậm lớn. Tùy thuộc vào mức độ thiếu calci ở trẻ nặng hay nhẹ mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Nhẹ thì khi ngủ trẻ hay bị giật mình kèm theo những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn. Khóc kéo dài nhiều giờ thậm chí suốt đêm.
Ở những trường hợp thiếu calci nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Thiếu calci kéo dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương như khi trẻ lớn lên đầu có dạng hình cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát… có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Calci rất cần thiết cho cơ thể nhưng thiếu hoặc thừa calci cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Có nhiều bà mẹ vì muốn con mình cao lớn hơn, đã lạm dụng nhiều thuốc cốm bổ calci mà không biết rằng có nguy hại cho con.
Thừa calci có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, tiểu nhiều làm mất nước. Nếu quá thừa, lượng calci không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, phospho… tăng calci trong máu.
Tốt nhất là nên cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng đa dạng các thực phẩm, chú ý dùng nhiều thực phẩm giàu calci như tôm, tép, ốc, cua, trứng… các loại rau, đậu để cơ thể hấp thụ calci một cách tự nhiên. Không nên lạm dụng thuốc bổ calci với mục đích giúp cho bé phát triển chiều cao ngoài chỉ định của bác sĩ.
Calci từ sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, kem, sữa chua) được hấp thụ vào cơ thể khoảng 32%. Calci trong rau dễ bị biến hóa khi nấu nên lượng calci còn lại rất ít. Vì thế, phải tiêu thụ khoảng 300g rau mới có cùng số lượng calci trong một cốc sữa.
Thông thường, chỉ có khoảng 20-30% calci trong thực phẩm được hấp thụ ở ruột rồi chuyển sang máu. Calci không hấp thụ sẽ đào thải ra khỏi cơ thể theo phân, nước tiểu và mồ hôi. Chính vì sự hao hụt calci trong quá trình chế biến thức ăn và hấp thu trong cơ thể nên cần phải bổ sung đủ nhu cầu calci hàng ngày.
Minh Thúy.CHITI
Theo Laodong