Ở người bình thường khi chỉ số huyết áp ở mức từ trên 90 – 139 mm Hg được gọi là cao huyết áp. Và ở thai phụ cũng vậy. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị tăng huyết áp và tăng huyết áp trong thời gian thai kì lại càng nguy hiểm hơn bởi vì khi xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp sẽ kèm theo các biến chứng như phù thũng, đẻ non…
Thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, đúng kỳ hạn để được kiểm soát huyết áp và theo dõi tiến độ phát triển của thai nhi.
Xác định tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Người ta chuẩn đoán tăng huyết áp dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự tăng huyết áp tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg thì được gọi là tăng huyết áp. Đối với bà mẹ có thai còn có một cách xác định khác, đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 30 mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15 mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai thì có nghĩa là bà mẹ đã bị tăng huyết áp.
Muốn biết chính xác số đo huyết áp phải sử dụng máy đo huyết áp, tuy nhiên nếu thai phụ chú ý quan sát sức khoẻ của bản thân có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24.
Một số nguyên nhân gây ra chứng cao huyết áp ở thai phụ
- Tuổi của sản phụ quá cao (trên 35 tuổi)
- Dòng họ có người bị bệnh
- Thai phụ quá cân, trước khi mang thai đã bị bệnh huyết áp cao, viêm thận mãn tính, tiểu đường.
- Chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng.
- Chửa sinh đôi
- Thai phụ có nước ối quá nhiều
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường.
Tăng huyết áp có thể dự phòng được không?
Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ mắc các bệnh như hen suyễn, tim, bệnh viêm gan … thì không nên mang thai. Tuy nhiên, những phụ nữ bị chứng cao huyết áp không nằm trong danh sách này. Họ vẫn có thể mang thai. Nếu biết trước trong gia đình có người bị tăng huyết áp hoặc do các nguyên nhân khách quan, họ có thể chủ động phòng tránh bằng một số biện pháp như sau:
Tư vấn trước sinh: Phụ nữ bị tăng huyết áp trước khi mang thai cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát như bệnh lý thận, đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc để đạt hiệu quả hạ áp tối ưu. Đặc biệt, họ cần được tư ván về nguy cơ xuất hiện tiền sản giật và việc phải thay đổi một số thuốc nếu họ đang muốn mang thai an toàn. Phần lớn, những phụ nữ bị tăng huyết áp đều có thể mang thai và sinh nở bình thường nếu họ được kiểm soát và theo dõi tốt tình trạng huyết áp của mình.
Điều trị bằng thuốc: tăng huyết áp thực sự cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Việc điều trị chủ yếu để phòng tránh biến chứng chảy máu nội sọ. Tuy nhiên không nên hạ huyết áp quá tích cực sẽ làm giảm việc cung cấp máu cho nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đối với tăng huyết áp nhẹ đến vừa: Điều trị những trường hợp tăng huyết áp nhẹ và vừa có lợi cho mẹ hơn là cho thai nhi trong những ngày đầu của thời kỳ thai nghén. Một số phụ nữ đang được điều trị huyết áp từ trước thì đến giai đoạn này có thể giảm hoặc ngừng thuốc do trong nửa đầu của thai kỳ, huyết áp sẽ giảm một cách sinh lý. Tuy nhiên, sự giảm huyết áp này chỉ mang tính chất tạm thời, thai phụ cần được theo dõi sát và phải dùng thuốc lại khi cần thiết.
Đối với trường hợp bị tăng huyết áp nặng: Nguy cơ bị biến chứng và tử vong cho mẹ trong những trường hợp tăng huyết áp nặng (HA trên 170/110 mmHg) và tiền sản giật vẫn còn cao. Điều trị hạ huyết áp không có tác dụng ngăn chặn tiền sản giật. Chỉ đình chỉ thai nghén mới có tác dụng trong trường hợp này nhưng điều trị hạ huyết áp lại có thể làm giảm biến chứng chảy máu nội sọ. Điều trị tăng huyết áp nặng bao gồm kiểm soát tốt huyết áp bằng các thuốc hạ áp đường tĩnh mạch và cố gắng duy trì quá trình thai nghén đến mức tối đa mà không gây ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi.
Thai phụ bị tăng huyết áp nên làm gì?
Khám thai định kỳ : Không phải ai bị tăng huyết áp cũng đều có những biểu hiện ra ngoài. Nhiều trường hợp phải đo kiểm tra mới phát hiện mình bị tăng huyết áp. Do đó, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, đúng kỳ hạn để được đo huyết áp. Nếu giữa các lần khám thai xuất hiện một trong các triệu chứng nghi ngờ bị tăng huyết áp thì cần đi khám lại.
Ở thời kỳ hậu sản và cho con bú: Tăng huyết áp sau sinh cũng là 1 hiện tượng tương đối phổ biến. Với những trường hợp bị tăng huyết áp từ trước có thể dùng lại phác đồ điều trị như trước khi mang thai. Tuy nhiên, đối với trường hợp phụ nữ đang cho con bú thì không nên dùng thuốc lợi tiểu. Hầu hết các thuốc hạ huyết áp đều an toàn với phụ nữ cho con bú, chỉ có các thuốc như doxazosin, amlodipine và nhóm ức chế men chuyển là chưa có dữ liệu về độ an toàn. Với những phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở mà không bị tăng huyết áp thì sẽ ít bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những phụ nữ không sinh đẻ. Việc sinh đẻ cũng khiến phụ nữ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau này, điều mà nam giới không thể có được.
Tiền sản giật và sản giật: Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Trước đây người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào ba triệu chứng: tăng huyết áp, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng chỉ cần có tăng huyết áp thai nghén kèm với protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Đây là nguyên nhân của việc thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung và đẻ non.
Có thể nói rằng, huyết áp tăng cao có nhiều ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau này. Vì thế việc chuẩn chuẩn đoán sớm và tiến hành dự phòng sự phát triển của bệnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ mang thai, thai nhi, đồng thời góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều cần thiết phải được theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, trong đó có vấn đề huyết áp. Nếu có những biểu hiện tăng huyết áp cần đến các trung tâm sản khoa và tim mạch để được điều trị phù hợp.
Xem tiếp chủ đề cao huyết áp: