Suy tim là vấn đề lớn của thế giới vì số người suy tim ngày càng tăng. Tại Mỹ, khoảng 5 triệu bệnh nhân đang điều trị suy tim mỗi năm. Tại châu Âu, có từ 2 triệu đến 10 triệu người bị suy tim (chiếm 0,4 – 2%). Suy tim tăng theo tuổi thọ, khoảng 80% bệnh nhân nhập viện vì suy tim ở tuổi trên 65.
Suy tim là trạng thái trong đó cung lượng tim không đáp ứng đủ cho nhu cầu của cơ thể về oxy trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.
Nguyên nhân
- Suy tim trái: tăng huyết áp, bệnh van tim (hở van 2 lá, hẹp hoặc hở van động mạch chủ), tổn thương cơ tim (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim), rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh.
- Suy tim phải: bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, viêm phế quản, nhồi máu phổi), gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực, hẹp van 2 lá, bệnh van 3 lá và van động mạch phổi, bệnh tim bẩm sinh.
- Suy tim toàn bộ: suy tim trái tiến triển thành, viêm tim toàn bộ (thấp tim, viêm cơ tim), bệnh cơ tim giãn, cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng.
Các nguyên nhân hay yếu tố làm nặng suy tim: sự không tuân thủ điều trị (dinh dưỡng, thuốc), sử dụng thuốc không phù hợp, các yếu tố huyết động, thiếu máu cục bộ hay nhồi máu cơ tim, tắc phổi, thiếu máu, nhiễm trùng, cường giáp
Hậu quả của suy tim
- Giảm vận chuyển oxy trong máu, giảm cung cấp oxy cho tổ chức.
- Phân phối lại lượng máu lưu thông trong cơ thể: giảm lượng máu đến da, cơ, thận và một số cơ quan khác để ưu tiên máu cho não và động mạch vành.
- Lưu lượng lọc cầu thận thấp: đái ít, phù…
- Tốc độ di chuyển của dòng máu chậm dễ tạo huyết khối trong lòng mạch.
- Tang áp lực tĩnh mạch ngoại vi: tĩnh mạch cổ nổi, phù, gan to, ứ máu ngoại biên dẫn tới tạo thành các cục máu đông.
- Ứ máu mao mạch phổi làm giảm sự trao đổi oxy dẫn đến khó thở, áp lực mao mạch phổi tăng cao làm tràn huyết tương vào phế nang gây phù phổi.
Triệu chứng
Suy tim trái |
Suy tim phải |
Suy tim toàn bộ |
Khó thở, có những cơn khó thở kịch phát (cơn hen tim, phù phổi cấp).Ho thường vào ban đêm hoặc khi gắng sức, ho khan hoặc có đờm lẫn máu. | Khó thở thường xuyên nhưng không có cơn kịch phát.Gan to, cảm giác đau tức hạ sườn phải, tĩnh mạch cổ nổi.
Phù mềm 2 chi dưới hoặc toàn thân, có thể có cổ chướng, đái ít, nước tiểu sẫm màu. |
Triệu chứng suy tim phải ở mức độ nặng:Khó thở thường xuyên.
Phù toàn thân, cổ chướng Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi. |
Phân loại mức độ suy tim theo Hội Tim mạch hoạc New York NYHA
Mức độ suy tim |
Biểu hiện |
I |
Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng, vẫn sinh hoạt và hoạt động thể lực gần như bình thường. |
II |
Triệu chứng cơ năng chỉ xuất hiện khi gắng sức nhiều, bệnh nhân có giảm nhẹ hoạt động thể lực. |
III |
Triệu chứng cơ năng xuất hiện khi gắng sức ít. Hạn chế nhiều các hoạt động thể lực. |
IV |
Các triệu chứng cơ năng tồn tại thường xuyên ngay cả lúc nghỉ ngơi. |
Điều trị suy tim
a) Điều trị nguyên nhân gây suy tim có thể điều trị được
Điều trị tăng huyết áp, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim… Khi điều trị được các nguyên nhân này thì tình trạng suy tim sẽ giảm hoặc mất.
b) Thuốc điều trị
- Làm tăng sức co bóp cơ tim: glycosid trợ tim (digoxin, digitoxin, lanatosid C), thuốc ức chế men phosphodiesterase (amrinon, milrinon), dopamin, dobutamin.
- Thuốc lợi tiểu làm giảm khối lượng máu lưu hành, giảm gánh nặng cho tim, giảm phù.
- Thuốc giãn mạch: thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, lisinopril), thuốc chẹn RAT I (losartan, telmisartan, irbesartan), thuốc chẹn kênh calci (nifedipin, amlodipin), nhóm nitrat (nitroglycerin, mononitrat sorbit), hydralazin.
- Điều trị và dự phòng huyết khối: aspirin, clopidogrel.
c) Chế độ ăn và sinh hoạt
- Uống 1,5 – 2l/ngày, tránh uống nhiều nước quá mức.
- Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, nhiều chất xơ. Giảm muối (0,5g/ngày) hoặc ăn nhạt hoàn toàn tùy mức độ nặng của bệnh.
- Tập thể dục hàng ngày được chứng minh là có lợi, để cải thiện tình trạng lâm sàng. Tập thể dục đều đặn, tùy theo khả năng, có thể đi bộ tăng dần từ 5 – 20 phút/ngày, tập dưỡng sinh.
- Không uống rượu, cà phê, hút thuốc lá.
- Giảm cân và tránh stress.
- Tiêm chủng phòng cúm và bệnh do phế cầu theo hướng dẫn của địa phương.