Sỏi tiết niệu là sự hình thành và hiện diện sỏi trong đường tiết niệu. Khi sỏi ở vị trí nào thì có tên gọi theo vị trí đó (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang). Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ từ 2-3 lần. Sỏi gặp nhiều ở người trưởng thành hơn là ở trẻ em và người già. Những người sinh sống ở những nơi khí hậu nóng và khô cằn tỷ lệ mắc sỏi cao hơn.
Sỏi thận tiết niệu do nhiều nguyên nhân gây nên. Thường do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp để tạo sỏi. Quá trình hình thành sỏi thường bắt nguồn từ các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh thành một nhân nhỏ rồi lớn dần thành sỏi. Tình trạng này xảy ra khi có những rối loạn sinh lý và có những yếu tố thận lợi như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu hoặc có yếu tố di truyền.
Khi sỏi hình thành trong đường tiết niệu sẽ gây đau, nhất là khi sỏi di chuyển, nhiễm khuẩn tiết niệu, ứ nước, ứ mủ, ở thận và có thể dẫn tới suy thận.
Nguyên nhân
- Calci phosphat: cường cận giáp, tăng calci niệu vô căn.
- Calci oxalat (chiếm 50% trường hợp): tăng calci niệu vô căn, thức ăn nhiều oxalat, uống nhiều vitamin C kéo dài, tăng calci máu nguyên phát không rõ nguyên nhân.
- Urat: tăng acid uric máu, acid uric niệu, ăn thức ăn nhiều purin, nước tiểu quá acid kéo dài.
- Cystin: tăng cystin niệu
- Struvit: nhiễm khuẩn tiết niệu mạn tính và tái phát
Điều kiện thuận lợi:
- Giảm lưu lượng nước tiểu: uống ít nước
- Nhiễm khuẩn tiết niệu là yếu tố quan trong để tạo sỏi, ngược lại sỏi cũng là yếu tố thuận lợi gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Dị dạng đường tiết niệu
- Yếu tố di truyền
Triệu chứng
Lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng. Tùy thuộc vào vị trí của sỏi, vào độ to nhỏ của sỏi, vào các biến chứng do sỏi gây ra.
- Có thể có tiền sử đái sỏi hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần: đái buốt, đái rắt, đái đục, đái mủ tái phát nhiều lần. Có thể đái ra sỏi.
- Đau:
- Cơn đau dữ dội, thường được gọi là “cơn đau quặn thận”. Đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu. Cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng. Có khi nôn, buồn nôn. Nguyên nhân đau thường do sỏi di chuyển từ trên đài, bể thận xuống gây căng niệu quản, tăng áp lực trong lòng niệu quản và co thắt niệu quản.
- Đau âm ỉ gặp ở những sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
- Các sỏi niệu quản rất nhỏ di chuyển cũng thường gây cơn đau êm dịu hơn.
- Đau hông lưng còn có thể do ứ nước bể thận do sỏi trung bình và to ở niệu quản gây tắc nghẽn niệu quản.
- Đau hông lưng âm ỉ đôi khi có thể là một biểu hiện lâm sàng của viêm bể thận cấp do sỏi.
- Đau kèm theo bí đái có thể là do sỏi đã chít tắc ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo.
- Đái máu: Có thể đại thể hoặc vi thể và là biến chứng thường gặp của sỏi thận tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái ra máu.
- Đái buốt, đái rắt, đái mủ: Là biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Sốt: Sốt cao, rét run kèm theo với triệu chứng đau hông lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận – bể thận cấp.
- Các dấu hiệu tắc nghẽn đường bài niệu:
- Đái tắc từng lúc, đái ngập ngừng: sỏi bàng quang.
- Đái tắc hoàn toàn: sỏi niệu đạo.
- Thận to: ứ nước bể thận do sỏi niệu quản hoặc sỏi bể thận chỗ đổ ra niệu quản.
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm nước tiểu để dự đoán loại sỏi.
- X quang: để thấy vị trí sỏi, thay đổi hình ảnh thận.
- Siêu âm đánh giá kích thước sỏi, số lượng, vị trí trên đường tiết niệu
- Phân tích sỏi biết thành phần sỏi
Biến chứng
- Sự hiện diện của sỏi làm giảm sức đề kháng với sự xâm nhập của vi khuẩn nhất là khi sỏi gây bế tắc có thể biến chứng thận hóa mủ với chủ mô thận bị phá hủy hòan toàn, mất hết chức năng chỉ còn là một túi mủ chứa sỏi.
- Sỏi bế tắc khi tiến triển, dù không bị nhiễm trùng cũng vẫn có thể gây hủy hoại và mất hòan toàn chức năng thận.
- Ðôi khi ung thư dạng biểu mô bể thận nơi vị trí của sỏi với biến chứng nhiễm trùng.
Điều trị
Nguyên tắc chung
- Uống nhiều nước, tăng vận động là biện pháp cho sỏi nhỏ và vừa có thể ra ngoài bằng đường tiểu.
- Can thiệp lấy sỏi: nội soi, mổ lấy sỏi, phá sỏi bằng sóng cao tần.
- Đề phòng sỏi tái phát: sau điều trị cần phòng bằng cách uống nhiều nước (>2l/ngày), chế độ ăn uống, thuốc tùy loại sỏi.
Điều trị và dự phòng cụ thể
Sỏi calci phosphat:
- Cần uống nhiều nước.
- Chế độ ăn hạn chế calci.
- Hạn chế hấp thu calci ở ruột: Tránh dùng Vitamin D, dầu cá, đặc biệt là 1-25 hydroxycalciferol D3.
- Có thể cho tiêm: Thiazid nhằm đào thải calci niệu. Orthophosphat mục đích đào thải pyrophosphat ra nước tiểu sẽ ức chế kết tinh phosphatcalci.
- Thăm dò tìm nguyên nhân rối loạn chuyển hóa: Cường cận giáp tiên phát, thứ phát: cắt bỏ tuyến cận giáp. Bệnh lý toan hóa do ống thận: cho citrat kali
Sỏi calci oxalat:
- Hạn chế thức ăn nhiều oxalat
- Không uống viatmin C liều cao (>500mg/ngày) kéo dài
- Dùng thuốc lợi tiểu thiazid để giảm calci niệu
- Uống citrat kali để ức chế quá trình kết tinh calci oxalat
Sỏi urat:
- Hạn chế thức ăn nhiều purin (thịt, cá nạc)
- Giảm acid uric máu và urat niệu bằng uống allopurrinol
Sỏi cystin:
- Uống citrat kali để ức chế quá trình kết tinh
- Uống D-penicillamine để tăng hòa tan sỏi
Sỏi struvit: chống nhiễm khuẩn tiết niệu
Thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh
- Xa tiền tử: vị ngọt tính hàn, quy kinh can, thận, tiểu tràng. Tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, chữa đi tiểu khó, đau buốt, đái dắt, nước tiểu đỏ đục, nóng, ít, tiểu máu. Trị viêm thận cấp tính, viêm đường niệu đạo, viêm bàng quang, sỏi niệu đạo.
- Tỳ giải: vị đắng tính bình, quy kinh tỳ, thận, bàng quang. Tác dụng lợi thấp hóa trọc, trị tiểu vàng đỏ, đục, ít, buots.
- Kim tiền thảo: vị ngọt, đắng, tính bình, quy kinh thận, bàng quang. Tác dụng thẩm thấp lợi niệu, trị viêm thận, tiểu bí, sỏi niệu đạo và bàng quang, sỏi thận, sỏi mật.
- Đăng tâm thảo: vị ngọt tính hàn, quy kinh phế, tiểu tràng. Tác dụng lợi thấp, lợi niệu thông lâm, trị tiểu tiện bí dắt, tiểu ngắn đỏ, buốt sót.
- Mộc thông: vị đắng tính hàn, quy kinh tâm, phế, tiểu tràng, bàng quang. Tác dụng lợi thấp, lợi niệu, thông lâm, trị bí tiểu, tiểu tiện ngắn đỏ, đái dắt.