Men gan tăng cao có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng trong đó viêm gan là nguyên nhân chính. Nồng độ của men gan tăng thường tỷ lệ thuận với mức độ viêm nhiễm của gan. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng men gan tăng cao.
Men gan tăng cao do một số bệnh về gan
Viêm gan siêu vi cấp: Nồng độ AST, ALT tăng rất cao thường thấy trong những bệnh gây hoại tử gan lan tỏa như viêm gan siêu vi cấp, quá liều acetaminophen, ngưng tuần hoàn kéo dài…
Suy gan hay sốc gan : Men gan tăng lên đến 3.000 U/L trong viêm gan virus cấp hoặc viêm gan do thuốc. Khi bị suy gan cấp hay sốc gan men gan có thể tăng đến 5.000 U/L.
Gan nhiễm mỡ: Tăng men gan từ nhẹ đến trung bình thường gặp trong gan nhiễm mỡ do rượu, đái tháo đường, béo phì; viêm gan siêu vi mạn hoạt động, viêm gan tự miễn, ứ sắt, bệnh lý tự miễn ở ruột non.
Vàng da, tắc mật: Trong vàng da tắc mật, men gan thường dưới 500 U/L.
Viêm gan do rượu: Ở bệnh nhân viêm gan do rượu AST thường tăng 2 – 10 lần, ALT chỉ ở mức bình thường, tăng nhẹ, thấp có thể do ở người nghiện rượu thiếu pyrydoxal 5-phosphate là yếu tố cần cho sự tổng hợp ALT.
Ở bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ALT thường cao hơn AST.
Nguyên nhân ít gặp: hemachromatosis (quá tải sắt), bệnh Wilson, thiếu alpha-1-antitrypsin, Celiac sprue, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm gan tự miễn…
Hemachromatosis là một bệnh di truyền rối loạn hấp thu sắt, tích tụ sắt trong gan dẫn đến xơ gan.
- Wilson là một rối loạn di truyền với sự tích tụ quá mức của đồng trong các mô thường là gan và não dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan, rối loạn tâm thần, động kinh.
- Alpha-1-antitrypsin là một rối loạn di truyền, trong đó thiếu alpha-1-antitrypsin dẫn đến khí phế thủng, viêm gan.
- Viêm gan tự miễn là tổn thương gan do rối loạn miễn dịch tạo ra kháng thể gây tổn thương gan.
- Celiac sprue là một bệnh của ruột non, do dị ứng với gluten biểu hiện đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bất thường ALT và AST.
Một số loại thuốc gây bất thường men gan
- Thuốc giảm đau: aspirin, acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Naprosyn, Naprelan, Anaprox, Aleve), diclofenac (Voltaren, Cataflam…), phenylbutazone (Butazolidine).
- Thuốc điều trị động kinh: phenytoin (Dilantin), valproic acid (Depakote, Deparkin,…), carbamazepine (Tegretol), phenobarbital.
- Kháng sinh: tetracyclin, sulfonamid, isoniazid (INH) (Nydrazid, Laniazid), sulfamethoxazole (Gantanol), Trimethoprim (Trimpex; Proloprim, Primsol), Nitrofurantoin (Macrodantin; Furadantin; Macrobid), fluconazole (Diflucan).
- Thuốc tim mạch: amiodarone (Cordarone), hydralazine, quinidine (Quinaglute, Quinidex)…
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc giảm mỡ máu
Khi đã biết mình bị tăng men gan, bạn nên giữ gìn sức khoẻ, tránh làm việc quá sức và bước kế tiếp là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về bệnh gan mật để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh được sớm những biến chứng, đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi B.
Khi phát hiện thấy mem gan tăng cao thì cần phải theo dõi thường xuyên xem số lượng có thay đổi không và cũng nên làm siêu âm định lượng gan để biết được tình trạng của gan, ống dẫn mật. Trong trường hợp phát hiện tình trạng GGT tăng cao thì điều cần thiết là phải ngưng ngay việc uống rượu, bia và các loại nước uống có chất cồn, không hút thuốc lá, nếu xảy ra ở những người có tình trạng thừa cân béo phì thì nên kiêng cữ các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, nên dùng chế độ ăn bổ dưỡng nhiều chất đạm. Trong trường hợp cần thiết phải dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác thì cần phải báo cho bác sĩ biết mình đang có tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc có hại cho gan.
Đọc thêm: Men gan cao báo hiệu điều gì?