Mùa đông, thời tiết giá lạnh và ẩm khiến tình trạng bệnh của những người bị khớp trở nên nặng hơn. Những cơn đau càng làm cho người bệnh thêm khó chịu. Trong đó phải kể đến 3 bệnh khớp hay gặp trong mùa đông: viêm khớp dạng thấp, bệnh thấp tim va gout.
1. Chứng thấp tim (thấp khớp cấp biến chứng vào tim)
Là bệnh hay gặp ở trẻ em trên 5 tuổi và người trẻ tuổi. Thời tiết lạnh, ẩm là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiến triển thành viêm đường hô hấp trên.
Loại liên cầu khuẩn này kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim. Biểu hiện của bệnh: trẻ bị sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng khớp và khớp di chuyển từ khớp này sang khớp khác là một yếu tố quan trọng để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở bệnh nhân.
Khi trẻ có những dấu hiệu trên, phải đưa trẻ đến viện ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh thấp tim có thể phòng được bằng phương pháp tiêm chậm peniciline. Phương pháp này có tác dụng làm cho bệnh không tái phát được và không biến chứng vào tim. Tuy nhiên, trước khi tiêm phòng, cần có sự thăm khám của bác sĩ để xác định nhiều yếu tố liên quan. Tất cả những trẻ dù chỉ bị thấp khớp cấp một lần cũng phải tiêm phòng chậm peniciline đến năm 21 hoặc 25 tuổi.
2. Viêm khớp dạng thấp
Là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 0,3% – 0,5% dân số, trong đó 80% là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên.
Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (khớp cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân…) và diễn biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, gây khó cử động các khớp và kéo dài hằng giờ.
Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.
3. Bệnh gút
Gút là bệnh chủ yếu ở nam giới trên 30 tuổi, sống tại thành thị. Biểu hiện: Khớp bị sưng, đặc biệt là sưng đau ngón chân cái. Giai đoạn đầu thường bị viêm một cách đột ngột, khớp bị sưng vù, nóng đỏ, bị đau dữ dội, đến mức không đi lại được. Có thể chỉ sau 1 đêm, các khớp từ bình thường đã bị sưng tấy, nóng đỏ.
Những cơn gút đầu tiên có thể tự hết, sau đó 1 năm có thể tái phát một, hai lần. Bệnh càng biểu hiện nặng hơn khi uống rượu nhiều và ăn quá nhiều chất béo…
Khi trời lạnh, kèm theo mưa phùn thì người bị thấp tim, viêm khớp dạng thấp không nên ra ngoài, phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Người bị gút hãy tránh xa rượu và các đồ nhắm giàu chất béo nếu không muốn bị lên những đợt viêm khớp cấp tính.
Giảm đau cho người bệnh khớp
Biện pháp không dùng thuốc: giảm áp lực ở khớp bằng cách cho các khớp bị viêm được nghỉ ngơi; giảm chịu lực cho khớp: cố định bằng nẹp, dùng nạng chống hoặc các dụng cụ chuyên dùng giúp đi bộ, giúp giảm áp lực ở các khớp bị đau; tập luyện phù hợp với từng bệnh; vật lý trị liệu: xoa bóp, xung điện, tập thụ động và chủ động… bệnh nhân cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để giúp cơ xương khớp mau hồi phục: tăng cường chất đạm, vitamin và khoáng chất calci, phospho, magie…
Sử dụng thuốc điều trị: thuốc giảm đau chống viêm thông thường, thuốc bôi ngoài da, thuốc kháng viêm không steroid.
Tuy nhiên cơ bản là điều trị theo nguyên nhân của bệnh chẳng hạn viêm khớp dạng thấp dùng các thuốc chống thấp khớp: methotrexate, cyclosporin A, kháng interleukin; các bệnh tự miễn như viêm đa cơ, viêm da cơ, xơ cứng bì… dùng thuốc điều hòa đáp ứng miễn dịch corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch như: azathioprin, cyclophosphamide…; thoái hóa khớp dùng các thuốc làm thay đổi cấu trúc của sụn khớp như: glucosamine sulfate, piascledin…; loãng xương thì dùng các thuốc chống hủy xương và tăng tạo xương: calcitonin, SERM, rPTH…; lao xương dùng các thuốc kháng lao; viêm khớp nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Ngoài ra còn cần phải điều trị các biến chứng về tiêu hóa, tim mạch và các biến chứng thận, huyết học, xương, sức đề kháng…