Chiều ngày chiều 7-2, theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng cho biết, sẽ sớm có kết quả phân tích tính độc lực của chủng virus cúm gia cầm trong năm nay.
Theo ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở ba tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng. Do diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều địa phương chưa có vaccine phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia cầm…nên nguy cơ xuất hiện một đợt dịch mới trên phạm vi rộng là rất cao.
Cục Thú y đã chỉ đạo lấy mẫu, giải trình tự gene, kiểm tra tính độc lực của virus cúm năm nay ra sao, để chỉ đạo, điều hành. Theo kế hoạch, tới đây sẽ có 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát tình hình phòng chống dịch ở các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho hay, năm ngoái thời điểm này không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm, nhưng nay dịch đã xuất hiện ở ba tỉnh. “Số địa phương có dịch tuy chưa nhiều, nhưng nghiêm trọng ở chỗ đã có 2 người tử vong (Kiên Giang và Sóc Trăng) do nhiễm virus cúm gia cầm, nên độc lực của virus gây bệnh năm nay có thể mạnh hơn trước đây. Cơ quan thú y cần đẩy nhanh việc phân tích mẫu, chú ý tỷ lệ gia cầm mắc bệnh chết để có đánh giá sát tình hình dịch” – ông Sơn nói.
Còn ông Lê Minh Sắt, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, hiện Trung Quốc đã dừng sản xuất loại vaccine cúm gia cầm Việt Nam thường nhập, nên nguồn vaccine phù hợp với chủng virus ở Việt Nam rất khó khăn.
Việt Nam chưa sản xuất được vaccien cúm gia cầm, hay lở mồm long móng. Hiện loại vaccine do Cty Thuốc thú y T.Ư (Navetco) sản xuất bước đầu thành công khi khảo nghiệm diện hẹp, cần có bước khảo nghiệm thành công trên diện rộng, mới công nhận chính thức được.
Ngoài ra, theo Cục Chăn nuôi, đợt rét vừa qua có trên 1.440 trâu, bò chết rét (chủ yếu ở Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Yên Bái…); trong khi đợt rét đậm, rét hại năm ngoái làm chết trên 80 nghìn con.
Cùng ngày, Bộ NN&PTNT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý ngành thú y giai đoạn (2012-2020) với tổng kinh phí dự kiến 3.480 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 40%, địa phương 30%, và vốn ODA 30%.
Phạm Anh
Theo Báo Tiền Phong