Suy thận mạn có nghĩa là chức năng thận suy giảm một cách dần dần trong thời gian dài. Thận có vai trò lọc và bài tiết chất thải hòa tan vào nước tiêu. Khi thận suy, một lượng lớn dịch, chất điện giải, chất thải … bị tích lũy trong cơ thể, gây rối loạn các cơ chế nội sinh của cơ thể.
Triệu chứng suy thận mạn
Trong giai đoạn sớm của bệnh, có một số dấu hiệu chung giúp ta nghi ngờ. Khi những dấu hiệu này xuất hiện với tần số nhiều hơn và mức độ nặng hơn là lúc bạn cần hết sức quan tâm chú ý. Diễn biến này chỉ phát triển thầm lặng, từ từ, không đột ngột, bất ngờ :
- Buồn nôn, nôn
- Ăn uống không ngon miệng
- Mệt mỏi thường xuyên
- Khó ngủ
- Lượng nước tiểu bất thường : quá ít hay quá nhiều.
- Bị chuột rút
- Sưng bàn chân hay mắt cá.
- Đau ngực nếu dịch tích tụ quanh màng tim
- Khó thở nếu dịch tích tụ ở phổi.
- Khó khăn trong việc tìm ra liệu trình trị cao huyết áp.
Các dấu hiệu trên khá chung chung nên không phải là dấu hiệu đặc trưng cho bệnh suy thận, nghĩa là còn có thề là do nguyên nhân khác. Hơn nữa, tự thân thận có khả năng hoạt động bù trừ khi suy giảm chức năng ở mức nhẹ, do đó các biểu hiện trên chỉ thật sự rõ nét hơn khi diễn tiến bệnh đã nặng hơn.
Yếu tố nguy cơ
Suy thận thường là do tác động biến chứng của một căn bệnh mạn tính nào đó. Một số bệnh sau đây được xem là yếu tố nguy cơ cao của suy thận như :
- Đái tháo đường type 1 hay type 2
- Cao huyết áp
- Viêm cầu thận
- Tắc nghẽn đường tiết niệu như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt…
- Viêm bể thận.
Biến chứng
Thận có ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trong cơ thể nên khi thận suy có thể gây biến chứng tại nhiều cơ quan khác, chẳng hạn :
- Giữ nước : các chi cảm thấy nặng nề, phù và mắt cá sưng, huyết áp tăng cao và nguy cơ phù phổi do dịch tích tụ trong khoang phổi.
- Tăng đột ngột kali máu (do thận bài tiết kém) ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động co bóp của tim, có thể gây các cơn đau thắt ngực.
- Bệnh tim mạch.
- Yếu xương, dễ gãy.
- Thiếu máu
- Thần kinh : khó tập trung, bị co giật.
- Hệ miễn dịch kém đi, dễ nhiễm trùng .
Chẩn đoán, điều trị
Khi nghi ngờ suy thận, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các bước sau :
- Đo huyết áp ( thông thường người suy thận sẽ có huyết áp cao hơn bình thường do lượng dịch trong cơ thể cao).
- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện sự có mặt của protein niệu.
- Xét nghiệm máu để xác định nồng độ các chất điện giải.
- Chụp CT hoặc MRI vùng bụng
- Chụp X quang hay siêu âm vùng bụng
Các bước chẩn đoán hình ảnh kết hợp với kết quả xét nghiệm sinh hóa giúp khẳng định những bất thường của thận chẳng hạn như tình trạng tắc nghẽn hay khối u làm suy giảm chức năng của thận.