Ho ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Ho là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Nếu là tình trạng ho thông thường, các triệu chứng ho có thể tự hết sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, ho có thể là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm.
Dấu hiệu đường hô hấp trên bị phù nề
Biểu hiện của ho do phù nè đường hô hấp trên thường có tiếng ho ông ổng. Ở trẻ dưới 3 tuổi, khi bị viêm thanh khí quản sẽ bị nặng do đường dẫn khí khá hẹp. Tiếng ho có thể bắt đầu đột ngột vào ban đêm, trẻ có thể có tiếng rít, tiếng thở ồn ào khi trẻ thở vào.
Dấu hiệu bệnh ho gà
Bệnh ho gà là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, do vi khuẩn gây ra lây truyền từ người bệnh sang người lành qua nước bọt khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Ho gà gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi, giai đoạn ủ bệnh từ 5 đến 10 ngày. Lúc đầu, trẻ có hiểu hiện ho, chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi, sốt và ho nhẹ. Ho ngày càng nặng, cơn dài và dày hơn. Giai đoạn cuối trẻ thở vào nghe như có tiếng rít. Trẻ có thể bị tím tái do thiếu ô-xy trong cơn ho. Nôn và kiệt sức thường đi kèm theo sau các cơn ho, đặc biệt vào ban đêm.
Ho gà rất nguy hiểm, các bà mẹ cần chú ý lịch tiêm chủng của trẻ để nhớ đưa trẻ đi chích ngừa và việc mẹ nhớ các bệnh bé đã được chích ngừa cũng góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Ho gà được chích ngừa chung với bệnh bạch hầu và uốn ván, bé được chích vào lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi.
Bệnh hen, viêm phế quản
Trẻ bị hen hoặc viêm phế quản cũng có các biểu hiện khò khè, ho. Nếu trẻ có kết hợp cả 2 triệu chứng này thì cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra theo dõi.
Ho nhiều về đêm
Thường xảy ra ở trẻ bị cảm lạnh, đàm nhầy từ mũi xoang chảy xuống họng kích thích gây ho khi trẻ ngủ. Nhiều khi, ho khiến trẻ mất ngủ làm tình hình trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, ho nhiều về đêm có thể là dấu hiệu bệnh hen.
Ho và sốt
Ho và sốt nhẹ kèm theo sổ mũi là những dấu hiệu thường thấy của cảm lạnh. Tuy nhiên, các mẹ nên hết sức lưu ý nếu trẻ bị ho và sốt từ 39 °C, trẻ có nguy cơ bị viêm phổi, nhất là khi trẻ có thêm các triệu chứng như thở nhanh và yếu. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Trẻ bị ho kèm theo nôn ói
Trẻ bị ho nhiều tới mức kích thích phản xạ hầu họng gây ra tình trạng nôn ói. Một trẻ ho do cảm cúm hay do cơn hen có thể ói do nhiều đám ứ đọng trong dạ dày. Thông thường, tình trạng này không đáng lo ngại, trừ khi trẻ ho, ói không ngừng.
Trẻ bị ho kéo dài
Ho do cảm cúm có thể kéo dài vài tuần, khi trẻ có những đợt cảm cúm liên tiếp nhau. Hen, dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm phế quản mạn tính có thể gây ho kéo dài. Ho trên 3 tuần là vấn đề cần đưa trẻ đi khám.
Ho sặc sụa, tím tái
Các mẹ cần hết sức lưu ý khi trẻ đang ăn, uống, hay đang chơi đồ chơi nhỏ, bỗng dưng ho sặc lên, mặt đỏ gay hoặc tím tái… Đó có thể là dấu hiệu trẻ hít sặc vật lạ, vật lạ đó nhiều khả năng chui vào đường thở và gây nguy hiểm cho trẻ. Các bà mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cách giải quyết.
Hoàng Anh (Tổng hợp)