Chứng tiểu khó có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bệnh nhẹ tới bệnh nặng nhưng dù bất cứ do nguyên nhân nào cũng cần phải tới bác sĩ để khám bệnh.
Thông thường, khi bọng đái (bàng quang) đầy nước tiểu (có thể tới 400 ml), các cơ của bàng quang bị căng ra truyền thông tin này lên não cho chúng ta có cảm giác muốn đi tiểu tiện. Khi chúng ta đi tiểu, não điều khiển bộ cơ thắt ở cổ bàng quang mở ra, đồng thời bàng quang bóp lại đẩy nước tiểu đi vào niệu đạo (ống đái) để ra ngoài.
Hiện tượng khó tiểu kèm theo cảm giác nóng, rát ở đường tiểu thường là triệu chứng của sự viêm nhiễm niệu đạo, nhưng cũng có thể do bàng quang hoặc niệu đạo có vật cản trở làm tắc nghẽn. Đôi khi, việc khó tiểu có nguyên nhân hoàn toàn tâm lý.
Cần phải làm gì?
Mọi trường hợp đi tiểu khó cần phải đưa tới bác sĩ để tìm nguyên nhân. Trường hợp khó đái lại còn bị đau, bị sốt, hoặc bị bí đái hoàn toàn, đều cần đưa đi cấp cứu.
Triệu chứng và điều trị
Tại nơi cấp cứu, bác sĩ sẽ chú ý tìm xem có phải bệnh nhân bị tắc ống đái hoặc bị viêm bàng quang, viêm niệu đạo hay không.
Nếu bệnh nhân bí đái và đau bụng dữ dội thì có thể do tuyến tiền liệt bị xung huyết rồi chèn vào ống đái. Cả trường hợp ung thư tuyến tiền liệt cũng vậy đều phải cấp tốc dùng biện pháp thông tiểu cho bệnh nhân.
Nếu người bệnh cảm thấy nóng rát ở ống tiểu và buồn đi tiểu luôn thì ống tiểu (niệu đạo) có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Nhưng đôi khi cảm giác này lại có nguyên nhân hoàn toàn tâm lý (thường gặp ở phụ nữ).
Đối với phái nam, những hiện tượng như đi tiểu nhiều lần kể cả ban đêm, tia nước tiểu yếu, muốn tiểu nhưng không tiểu ngay được, bắt đầu phải rặn một lúc, rồi lại phải rặn thêm lúc cuối để đi được hết, đều có thể có nguyên nhân từ tuyến tiền liệt (bị u tuyến tiền liệt) hoặc từ cổ bàng quang (viêm hoặc có u).
Tất cả các hiện tượng khó tiểu đều cần phải được xét nghiệm ở chuyên khoa niệu đạo để rõ tình trạng của niệu đạo và bàng quang (bị sỏi, u, ung thư…). Riêng nữ, còn phải chú ý tới các bệnh về tử cung và vùng chậu.
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ- Trần Văn Thụ