Trẻ bị tiêu chảy kéo dài thường có những biểu hiện như sụt cân, chậm phát triển cân nặng, chiều cao dẫn đến suy dinh dưỡng nếu trẻ tiêu chảy kéo dài quá lâu
Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ tiêu chảy kéo dài
- Số lần đi ngoài khi giảm, khi tăng.
- Tính chất của phân: Lúc lỏng, lúc đặc, lổn nhổn, có mùi chua, khẳm, màu vàng hoặc xanh, có bọt, nhầy khi không dung nạp đường.
- Phân có thể nhầy hồng hoặc có máu, khi đi tiêu phải rặn, khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài sau lỵ.
- Trẻ biếng ăn, khó tiêu, ăn thức ăn lạ dễ bị tiêu chảy lại.
Biểu hiện toàn thân
- Trẻ sụt cân, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng nếu trẻ tiêu chảy kéo dài quá lâu.
- Thiếu vitamin: Dấu hiệu thiếu vitamin nhóm tan trong dầu, mỡ (A, D, E, K): khô mắt, còi xương, xuất huyết.
- Thiếu các yếu tố vi lượng, muối khoáng như: Kẽm, Selen, Kali, phospho.
Các bệnh nhiễm khuẩn phối hợp
Trẻ thường mắc các bệnh nhiễm khuẩn phối hợp như: Viêm tai giữa, viêm VA mãn, hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
Khi có các bệnh nhiễm khuẩn, phải điều trị các bệnh này thì điều trị tiêu chảy kéo dài mới có kết quả.
Trong tiêu chảy kéo dài, trẻ thường mất nước nhẹ và vừa chỉ bồi phụ nước bằng đường uống.
– Tiêu chảy kéo dài là hậu quả của tình trạng rối loạn hấp thu do sự tổn thương niêm mạc ruột tiếp tục và sự hồi phục niêm mạc ruột bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân gây ra. Hậu quả dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
– Do khả năng đào thải vi khuẩn giảm, các loại vi khuẩn xâm nhập hoặc bám dính liên tục làm tổn thương các lớp tế bào hấp thu bề mặt niêm mạc ruột như lớp glycocalyx, lớp vi nhung mao và các tế bào hấp thu có chứa rất nhiều men như men tiêu hóa đường discacharidaze, đặc biệt là men lactoze gây tình trạng kém hấp thu đường lactoza.
– Chế độ ăn có nhiều chất đường (như lactose, đối với chế độ ăn sữa động vật) làm tăng thẩm thấu cũng như các protein động vật chưa được tiêu hóa hết có thể hấp thu qua niêm mạc ruột bị tổn thương, làm tổn thương nặng thêm và kích thích cơ thể sinh các kháng thể gây dị ứng thức ăn và tổn thương niêm mạc ruột.
– Do thiểu năng hấp thu muối mật ở ruột non, các vi khuẩn tăng sinh làm phân hủy muối mật, gây thiểu năng hấp thu các chất béo và lượng lớn muối mật không được hấp thu xuống đại màng gây tiết dịch.
Tiêu chảy kéo dài được coi như là một bệnh dinh dưỡng, liên quan chặt chẽ với tình trạng suy dinh dưỡng và cũng là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng. Hiện tượng sụt cân trong tiêu chảy kéo dài là do giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, do ăn kiêng, do thức ăn có đậm độ năng lượng thấp, do thiếu các vitamin và các yếu tố vi lượng là những chất đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và đổi mới niêm mạc ruột cũng như tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Theo Mẹ yêu con