Đau thắt ngực là một hiện tượng xảy ra khi gắng sức, khi có stress hoặc sau khi tắm lạnh, hay ăn quá nhiều. Đau thắt ngực có một thể tự phát, cơn đau đột nhiên xảy ra mà không hề liên quan đến hoàn cảnh trên. Có những trường hợp đau thắt ngực là một hiện tượng đau rồi sẽ qua, không nguy hiểm nhưng có những trường hợp đau thắt ngực là báo hiệu của một hiện tượng nguy hiểm. Do vậy người bệnh không nên xem thường. Để người đọc có một cái nhìn tổng quan nhất về đau thắt ngực, ở bài viết này chúng tôi xin tổng hợp lại những kiến thức cơ bản, bao gồm những đối tượng, biểu hiện, cách sơ cứu nhanh và hướng phòng ngừa cơn đau thắt ngực.
Đau thắt ngực dễ xuất hiện ở cả nam và nữ độ tuổi trung niên.Đặc biệt hường gặp ở nam giới trong độ tuổi dưới 60
Những đối tượng dễ bị đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra ở cả nam và nữ độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là nam giới trong độ tuổi dưới 60. Đau thắt ngực có thể xuất hiện hàng tuần, hàng tháng thậm chí nhiều năm trước khi bị nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của nhồi máu cơ tim hoặc chỉ xảy ra sau nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, người ăn quá nhiều chất béo, có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ, gia đình tiền sử có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… đều là đối tượng có nguy cơ bị cơn đau thắt ngực.
Biểu hiện của cơn đau thắt ngực
Đau thắt ngực bản thân nó đã là một triệu chúng. Các cơn đau thường kéo dài trong vài phút và được mô tả rất khác nhau. Tuy vậy, đặc điểm của cơn đau lại thường hằng định đối với một người bệnh cụ thể.
Cảm giác đau ngực có thể rất mơ hồ hoặc chỉ gây khó chịu nhẹ, hoặc bỏng rát, hoặc bóp chặt hay tức nặng ở ngực trái hoặc đau dữ dội. Vị trí đau thường ở giữa ngực (sau xương ức), đau có thể lan xuống cánh tay (đặc biệt tay trái) hoặc cả hai tay, có trường hợp lan lên cổ, hai vai, hàm dưới hoặc lan cả ra sau lưng.
Ở thể điển hình, cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Đau ngực cũng có thể khởi phát bởi trạng thái căng thẳng thần kinh hoặc lo âu. Nếu nặng, đau ngực sẽ xuất hiện cả khi nghỉ ngơi hoặc trong giấc ngủ làm người bệnh phải tỉnh giấc.
Cũng một số mô tả lại rằng cơn đau thắt ngực xuất hiện với cảm giác đè nặng, bó chặt hoặc nóng rát ở ngực; đôi khi lan lên cổ, hàm, cánh tay và lưng. Nó có thể giống cảm giác một cơn đau tim nhưng bạn có thể không nhận biết được sự khác biệt này. Vì vậy, nếu có cơn đau thắt ngực lần đầu tiên hoặc cảm nhận bất cứ sự thay đổi nào so với cơn đau trước, hãy đi khám ở bệnh viện.
Đau thắt ngực có thể xuất hiện khi nào?
Đau thắt ngực có thể xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Leo cầu thang hoặc mang vác đồ
- Cảm thấy tức giận hoặc bối rối
- Làm việc trong thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh
- Ăn quá nhiều trong một lúc
- Quan hệ tình dục
- Bị căng thẳng về cảm xúc
- Luyện tập
Biến chứng nguy hiểm
Trong những ca bệnh nặng, người ta gọi là đau thắt ngực không ổn định, các cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, dày hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.
Cách nào để giảm cơn đau?
- Tránh bất cứ điều gì dẫn đến cơn đau thắt ngực bao gồm sự gắng sức về thể lực và stress xúc cảm.
- Ăn thành các bữa nhỏ trong ngày và nghỉ ngơi sau khi ăn.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc ngay vì hút thuốc gây co thắt các mạch máu ở tim.
- Nếu bạn quá béo, hãy tìm cách làm giảm cân nặng để giảm gánh nặng cho tim.
- Tránh đi ngoài trời khi thời tiết lạnh.
Chẩn đoán đau thắt ngực như thế nào?
Chẩn đoán đau thắt ngực chủ yếu là khai thác kỹ bệnh sử, đó là những thông tin từ người bệnh về cơn đau ngực xảy ra khi gắng sức thể lực hoặc căng thẳng tâm lý và giảm hoặc mất đi khi nghỉ ngơi. Ghi điện tâm đồ lúc nghỉ có thể cho thấy những biến đổi bất thường xuất hiện trong cơn đau.
Điện tâm đồ gắng sức là một nghiệm pháp được sử dụng để chẩn đoán, đồng thời giúp xác định mức độ gắng sức mà ở đó cơn đau thắt ngực xuất hiện. Xạ hình cơ tim bằng thallium hoặc các chất đồng vị phóng xạ khác cũng rất hữu ích trong việc xác định vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ.
Điều trị cơn đau thắt ngực
Để dự phòng cơn đau thắt ngực bằng hạn chế gắng sức hoặc sử dụng nitroglycerin trước các hoạt động thể lực nặng hay trạng thái căng thẳng tâm lý. Nhiều loại thuốc khác, đôi khi được phối hợp với nitroglycerin, có thể làm giảm triệu chứng đau ngực và tăng khả năng gắng sức của người bệnh.
Thuốc chẹn bêta giao cảm gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm sức co bóp cơ tim do đó làm giảm nhu cầu ôxy của tim. Thuốc chẹn kệnh calci và các nitrate chậm có tác dụng hạ huyết áp và giãn các động mạch vành bị hẹp.
Trong trường hợp nặng, người ta phải tiến hành phẫu thuật làm cầu nối chủ-vành (dùng đoạn mạch để nối giữa động mạch chủ và động mạch vành) hoặc nong động mạch vành bằng bóng kết hợp với đặt giá đỡ (stent) trong lòng động mạch vành hoặc kết hợp cả hai.
Người mắc chứng đau thắt ngực cần phải điều chỉnh lối sống phù hợp với khả năng gắng sức của bản thân, tuyệt đối bỏ hút thuốc lá, giảm cân nặng nếu thừa cân, ăn uống hợp lý và điều chỉnh stress càng sớm càng tốt
Đọc thêm về hiện tượng đau ngực bên trái