Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc cây phế quản. Viêm phế quản được tạo thành từ các ống nhỏ hơn (bao gồm phế quản thùy và tiểu phế quản tận), có chức năng dẫn khí. Khi các ống này bị nhiễm trùng, niêm mạc phế quản bị phù nề, xung huyết, bong các biểu mô phế quản, tạo nhiều đờm mủ bao phủ niêm mạc phế quản, khó thông khí dẫn đến khó thở.
Viêm phế quản cấp có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở trẻ em và người già, hay xảy ra vào mùa đông, đầu xuân.
Viêm phế quản cấp tính diễn biến trong một thời gian ngắn (vài tuần hoặc ít hơn), trong khi tình trạng viêm phế quản mạn tính kéo dài hoặc hay tái phát (thường do cây phế quản bị kích thích liên tục, ví dụ hút thuốc lá).
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, H. influenza, M. catarrhalis), do virus (adenovirus, parainfluenzae virus) gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, viêm họng…
Sau mắc bệnh sởi, cúm, ho gà.
Hít phải khí độc: clo, amoniac, khói thuốc, bụi công nghiệp, không khí quá khô, ẩm, lạnh, hoặc quá nóng…
Yếu tố thuận lợi:
- Thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột
- Môi trường ẩm thấp, nhiều khói bụi
- Thể trạng kém, còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch
- Ứ đọng phổi do suy tim
- Người hút thuốc dễ bị viêm phế quản cấp và dần chuyển sang mạn tính
Những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bị viêm phế quản cấp khi acid trong dạ dày bị trào vào phế quản.
2. Triệu chứng
Khởi đầu là viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng. Phần lớn bệnh nhân bị ho dưới 2 tuần, tuy nhiên có 26% bệnh nhân vẫn bị ho trên 2 tuần, một vài trường hợp bị ho 6 – 8 tuần.
Thời kỳ toàn phát gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu (3 – 4 ngày) (còn gọi là giai đoạn viêm khô): Sốt 38 – 39 o C, có thể tới 40 o C, mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi xương khớp, cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên khi ho. Khó thở nhẹ, có thể có tiếng rít, ho khan, có ho thành cơn về đêm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy.
- Giai đoạn II: (6 – 8 ngày) (còn gọi là giai đoạn ướt): Các triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm, có thể còn sốt. Ho nhiều đờm, hoặc đờm mủ xanh/vàng (khi bội nhiễm). Nghe phổi có ran ẩm.
Các xét nghiệm cận lâm sàng: bạch cầu có thể bình thường, tăng khi có bội nhiễm, hoặc giảm (do virus); xét nghiệm đờm: có nhiều xác bạch cầu đa nhân trung tính. Cấy đờm thường có tạp khuẩn, loại vi khuẩn gây bệnh.
X quang phổi: có thể bình thường hoặc rốn phổi đậm.
3. Tiến triển và biến chứng
Tiến triển: viêm phế quản cấp tiến triển lành tính, ở người khoẻ mạnh thường tự khỏi sau 2 tuần, không để lại di chứng gì, ở người nghiện thuốc lá thường có bội nhiễm và ho khạc đờm kéo dài.
Biến chứng:
- Viêm phổi, phế quản phế viêm: thường xảy ra ở người già và trẻ em suy dinh dưỡng.
- Tăng tính phản ứng của phế quản với lạnh, khói và bụi, kéo dài vài tuần sau viêm phế quản cấp. Biểu hiện bằng ho khan kéo dài hàng tuần lễ.
4. Điều trị
Mục tiêu chính là điều trị triệu chứng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Hạ sốt, giảm đau với paracetamol, diclofenac, ibuprofen. Uống nhiều nước để tránh bị mất nước.
- Ho khan, dùng thuốc giảm ho bằng các thuốc terpin – codein, dextromethorphan. Ho có đờm, dùng thuốc giảm ho long đờm như acetylcystein, guaifenesin, eprazinon dichlorhydrat (dùng cho người lớn).
- Kháng sinh: viêm phế quản cấp thường gây ra bởi virus nên kháng sinh sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên sẽ dùng nếu bác sĩ chẩn đoán do vi khuẩn hoặc chỉ dùng khi có bội nhiễm hoặc người có nguy cơ biến chứng: amoxicilin, erythromyxin, cephalexin.
- Khi có khó thở: dùng thuốc giãn phế quản như theophylin, salbutamol, thở oxy nếu cần.
- Không hút thuốc lá.
5. Điều trị không dùng thuốc
Nghỉ ngơi, giữ ấm cổ, ngực, tránh lạnh đột ngột. Uống đủ nước.
Một số dược liệu tiêu đờm, trị ho:
- Bán hạ: giảm ho, tiêu đờm, cầm nôn.
- Bạch giới tử: chữa ho có đờm do lạnh, đau khớp.
- Cát cánh: chữa ho đàm, họng sưng đau, phế có mủ.
- Bách bộ: chữa ho lâu ngày do viêm phế quản, ho gà, lao hạch.
- Hạnh nhân: chữa ho do lạnh, đờm trắng loãng, thông phế chữa viêm phế quản.
- Tang bạch bì: dùng trị ho do phế nhiệt, trị hen suyễn.
6. Dự phòng viêm phế quản cấp tái phát
- Đảm bảo chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên.
- Giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên để tiêu diệt virus
- Giữ gìn nơi ở thông thoáng, tránh khói bụi.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn tai – mũi – họng.
Tuelinh.vn