U xơ tử cung là khối u lành tính ở cơ tử cung. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 35-50 (chiếm tỉ lệ 20%). U xơ là loại u nhạy cảm với nồng độ estrogen, khi nồng độ estrogen tăng cao thì u xơ tử cung thường to ra, do đó u xơ tử cung to ra điển hình là trong thai kỳ. Cấu tạo u xơ là tổ chức liên kết và cơ trơn tử cung.
1. Phân loại:
Theo vị trí:
- U xơ thân tử cung
- U xơ cổ tử cung
- U xơ eo tử cung
Theo vị trí so với thành tử cung:
- U xơ kẽ (u phát triển trong thành tử cung)
- U xơ dưới niêm mạc
- U dưới thanh mạc (phúc mạc)
U xơ tử cung có thể tiến triển theo nhiều dạng khác nhau: kích thước của u xơ tử cung có thể thay đổi, thoái hóa kính, thoái hóa nang, hóa vôi, nhiễm khuẩn mưng mủ, hoại sinh vô khuẩn, thoái hóa mỡ, ung thư hóa.
2. Cơ chế bệnh sinh
Cơ chế bệnh sinh của u xơ tử cung hiện vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Có một số yếu tố liên quan đến nguyên nhân u xơ tử cung như:
- Do cường estrogen
- Vô sinh và đẻ ít
- Hormon GH cao hơn bình thường
- Virus HPV
3. Triệu chứng lâm sàng
a. Triệu chứng cơ năng
- Ra máu âm đạo: biểu hiện dưới dạng cường kinh, rong kinh, rong huyết do tăng diện tích bề mặt niêm mạc tử cung, rối loạn co bóp cơ tử cung, do quá sản niêm mạc tử cung, tăng áp lực ở đầu tĩnh mạch
- Ra khí hư: khí hư loãng như nước có khi ra từng đợt rất nhiều, nếu khí hư lẫn mủ thì thường có nhiễm khuẩn cơ tử cung hay vòi trứng. Triệu chứng này là do niêm mạc tử cung quá sản tăng tiết
- Đau hạ vị hoặc vùng hố chậu, đau kiểu nặng bụng, tức bụng (40% trường hợp), đau thường xuyên khi đứng hoặc khi bệnh nhân mệt. Có khi đau tăng trước khi có kinh hoặc trong khi có kinh
- Các triệu chứng khác: rối loạn tiểu tiện, rối loạn tiêu hóa hoặc tự nắn thấy khối u hạ vị.
b. Triệu chứng thực thể
- U kẽ: khám thấy toàn bộ TC to, mật độ chắc hoặc thấy một khối và TC biến dạng, khối đó di động cùng với cơ TC
- U dưới phúc mạc: TC to chắc, sờ thấy nhân di động theo TC, nếu thấy một nhân có cuống dễ nhầm với u nang buồng trứng
- U dưới niêm mạc: TC thường không to, chụp buồng TC thấy hình khuyết, nếu là u có cuống mọc ra ngoài âm đạo khi đặt mỏ vịt sẽ thấy khối u thò ra giữa lỗ cổ TC.
4. Cận lâm sàng
Siêu âm: xác định được vị trí, kích thước của khối u trên TC với hình ảnh điển hình của u xơ tử cung là các khối tăng âm thuần nhất
Nội soi buồng TC: có thể phát hiện được những u xơ tử cung dưới niêm mạc
Chụp buồng TC: có bơm thuốc cản quang thấy buồng TC biến dạng có hình khuyết trong TC, đo buồng TC thấy chiều cao buồng TC tăng, nạo buồng TC sinh thiết thấy hiện tượng quá sản niêm mạc TC
Làm phiến đồ cổ TC: để chẩn đoán phân biệt với ung thư cổ TC hoặc thân TC
Chụp phim CT scanner: để chẩn đoán xác định và tìm hiểu xem khối u có dính vào các tạng hay không
Xét nghiệm máu: để đánh giá mức độ thiếu máu
Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt:
- Có thai: thử HCG, siêu âm
- Khối u buồng trứng: u buồng trứng biệt lập với TC, không di động với cổ TC: siêu âm, soi ổ bụng
- Ung thư thân TC: nạo sinh thiết
- Chửa ngoài TC: chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo số lượng ít rỉ rả. Khám thấy khối vùng hạ vị không rõ ranh giới. HCG (+). Siêu âm có khối hỗn hợp âm
5. Tiến triển và biến chứng
- Chảy máu gây thiếu máu cấp và mạn. Biểu hiện: da xanh, niêm mạc nhợt, chóng mặt, đau đầu.
- Biến chứng cơ năng: đái rắt, đái khó, chèn ép niệu quản, ứ đọng bể thận, chèn ép trực tràng gây táo bón trường diễn
- Chèn tĩnh mạch gây phù chi dưới
- Xoắn khối u dưới phúc mạc: đau hố chậu dữ dội kèm theo kích thích phúc mạc, toàn thân suy sụp, bụng chướng.
- Nhiễm khuẩn: thường do polyp thò ra khỏi TC, đau bụng, sốt, bạch cầu tăng. Qua mỏ vịt thấy khối nâu sẫm, mềm hoại tử, hôi
- Viên niêm mạc tử cung, khí hư có mủ
- Viêm ống dẫn trứng cấp và mạn
- Ung thư hóa: tỉ lệ không cao, u xơ trở nên mềm, ra máu kéo dài, toàn thân suy sụp
Biến chứng về sản khoa:
- Chậm có thai hoặc vô sinh: do cơ địa cường estrogen tương đối không thuận lợi cho thai nghén, rối loạn co bóp TC làm ảnh hưởng tới sự di chuyển tinh trùng, niêm mạc TC bất thường, đoạn eo, kẽ bị chít hẹp
- Khi có thai, tỷ lệ xảy thai cao do TC kém giãn, mất cân bằng nội tiết
- Khi thai lớn dễ đẻ non, ối vỡ non, thai kém phát triển, ngôi bất thường, rau tiền đạo, khối u tiền đạo
- Khi chuyển dạ: rối loạn co bóp TC, gây chuyển dạ kéo dài
- Khi xố rau: sót rau, băng huyết vì đờ tử cung
- Thời kỳ hậu sản: nguy cơ viêm niêm mạc TC.
6. Điều trị
Tùy vào tuổi bệnh nhân, số lần có thai, tình trạng mong muốn có thai trong tương lai, vị trí hình thái khối u mà có những hình thức điều trị khác nhau
Điều trị nội khoa
Thường những u nhỏ không gây rối loạn kinh nguyệt, không gây đau bụng thì khi mãn kinh, kích thước u thường nhỏ lại nên không cần phải mổ mà chỉ cần điều trị nội khoa. Mục đích chủ yếu của điều trị nội khoa nhằm hạn chế sự phát triển của khối u và triệu chứng rong kinh, rong huyết. Ngoài ra điều trị nội khoa có thể được chỉ định để chuẩn bị cho phẫu thuật hoặc điều kiện bệnh nhân không cho phép mổ
Có thể dùng các loại thuốc sau: progesteron, chất đồng vận GnRH hoặc danazol. Tác dụng của thuốc đạt được tối đa sau 3-6 tháng dùng thuốc. Khối u có thể giảm đến 50% thể tích nhưng nếu ngừng thuốc thì khối u dễ tăng kích thước trở lại. Ngoài ra điều trị bằng các thuốc này lâu dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ do làm giảm estrogen trong cơ thể như loãng xương, nóng bừng, khô âm đạo
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật đối với các trường hợp sau: tất cả các trường hợp u xơ tử cung có biến chứng mà điều trị nội khoa không kết quả, u xơ tử cung phối hợp với các tổn thương khác như sa sinh dục, u nang buồng trứng, loạn sản cổ tử cung, u xơ tử cung to trên 8 cm, u xơ nghi ngờ có ung thư hóa.
Điều trị bảo tồn
Áp dụng đối với người còn mong muốn giữ tử cung để sinh nở:
- Gây tắc mạch: thông qua catheter qua động mạch đùi, đưa lên động mạch tử cung và bơm chất gây tắc mạch (các hạt PVA – poly vinyl alcohol) để hạn chế phát triển của khối u. Khi thuyên tắc, nguồn cung cấp máu sẽ không còn, khối UXTC sẽ bị hoại tử vô trùng và teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ trên thành TC. Phương pháp này có hiệu quả điều trị cao, tỉ lệ thành công 95%. Bệnh nhân hết hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn triệu chứng trong 1-2 tháng đầu sau điều trị. Khối u xơ teo nhỏ dần sau 3-6 tháng, tối đa sau 1 năm. Nhân xơ tái phát rất hiếm gặp, chỉ khoảng 1% số ca điều trị
- Bóc nhân xơ tử cung thông qua mổ mở hoặc mổ nội soi
- Cắt polyp buồng tử cung thông qua soi buồng TC hoặc mổ mở
Điều trị triệt để
Cắt TC hoàn toàn hay bán phần tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và tuổi người bệnh thông qua mổ nội soi và mổ mở
7. Phòng ngừa u xơ tử cung:
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng với nhiều rau tươi, trái cây, giàu protein, ít chất béo, uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày, không hút thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn. Tránh tăng cân sau 18 tuổi và cố gắng giữ cân nặng phù hợp với chiều cao. Cân nặng của cơ thể có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng nồng độ estrogen, do đó sẽ làm u xơ tử cung phát triển
- Điều chỉnh nội tiết tố
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Cảm xúc không ổn định, trầm cảm, hay suy nghĩ… dễ dẫn đến suy gan, khí huyết trì trệ gây u xơ tử cung
- Tránh nạo phá thai gây mất nhiều máu, rối loạn chức năng phủ tạng dẫn đến u xơ tử cung.
- Khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là khám phụ khoa để phát hiện bệnh sớm.
8. Các dược liệu có tác dụng đối với u xơ tử cung
Các dược liệu có chứa các saponin cấu trúc dammaran thường có khả năng tăng miễn dịch cơ thể mạnh, giải độc và chống u tốt như Nhân sâm, Tam thất, Trinh nữ hoàng cung, Giảo cổ lam… Trong dân gian Trinh nữ hoàng cung được sử dụng để chữa ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tiền liệt tuyến . Giảo cổ lam được chứng minh là có tác dụng kìm hãm sự phát triển khối u mạnh và được sử dụng cho bệnh nhân ung thư não, phổi, tiền liệt tuyến, tử cung, vú. Việc kết hợp các dược liệu thường đem lại kết quả khả quan hơn cho sức khỏe so với khi dùng một loại. Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm bào chế từ cây Trinh nữ hoàng cung giúp hỗ trợ điều trị u vú, tử cung và buồng trứng có hiệu quả như sản phẩm Thất diệp linh (phối hợp 2 dược liệu quý có tác dụng ức chế mạnh sự phát triển của khối u).
Tuelinh.vn