Tiêu chảy đặc trưng bởi phân lỏng, tăng khối lượng phân, tăng tần số đi đại tiện. Bệnh tiêu chảy thường xuất hiện dưới 2 dạng là tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính.
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy nhưng một số nguyên nhân thường gặp nhất sau đây:
– Tiêu chảy do vi khuẩn: trong trường hợp này thường do ngộ độc thức ăn, nhất là mùa hè do thời tiết nóng bức nên uống nước lã, nước đá không được vô khuẩn, thức ăn ôi thiu, thức ăn để lâu ngày, ăn rau sống… Điển hình trong các loại khuẩn gây ngộ độc thức ăn là vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn tả và vi khuẩn E.coli cũng là một tác nhân hay gặp trong tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em. Khi tiêu chảy do những nguyên nhân đã kể trên thì triệu chứng rất rầm rộ, có khi rất nguy kịch.
– Tiêu chảy do virus : Trong các loại virus đường ruột thì điển hình và hay gặp nhất là rota virus. Có đến trên 40% tiêu chảy ở trẻ em là di virus này.
– Tiêu chảy do ký sinh trùng : Đối với ký sinh trùng đường ruột thì một số loài giun cần được quan tâm. Trong các loài giun thì hay gặp nhất trong bệnh gây tiêu chảy là giun đũa, giun kim. Ngoài giun ra một số loại nấm cũng có thể gây nên tiêu chảy, điển hình là nấm candida albicans.
Bên cạnh các căn nguyên vừa nêu trên, bệnh tiêu chảy còn có thể gặp do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc dùng thuốc kháng sinh, nhất là kháng sinh đường ruột kéo dài… Trong bài viết này chỉ đề cập đến căn nguyên do vi sinh vật gây nên, đặc biệt hay gặp bệnh nhiễm khuẩn đường ruột vào dịp mùa hè.
Triệu chứng:
Phân lỏng, tăng khối lượng phân, tăng tần số đi đại tiện, tiêu chảy có hai dạng là tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính.
Nguyên tắc phòng bệnh
- Luôn thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội.
- Dùng nước sạch để nấu thức ăn và nước uống.
- Không ăn thức ăn đã thiu, ôi.
- Tích cực diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất…
- Phải quản lý phân và chất thải của bệnh nhân thật tốt, nhất là các vùng nông thôn. Cố gắng phân phải được đổ vào hố xí tự hoại, bán tự hoại hoặc ít nhất cũng phải có hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh, đúng quy cách.
- Đối với một số vùng hay xảy ra dịch bệnh như tả, thương hàn có thể tiêm phòng vacxin.
Rửa tay với xà phòng và ăn uống vệ sinh
là cách phòng bệnh tiêu chảy một cách hiệu quả nhất
Điều trị:
Tình trạng tiêu chảy cũng là một phản ứng có lợi cho cơ thể nhằm đưa hết những chất lạ có hại cho cơ thể như độc tố hoặc các men do vi khuẩn gây hại tiết ra đi ra khỏi cơ thể (theo cơ chế lấy nước trong cơ thể đưa vào ruột để việc thải chất độc ra khỏi cơ thể được dễ dàng hơn). Cho nên ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh là làm cân bằng vi sinh vật đường ruột (Vi khuẩn có lợi > hoặc = Vi khuẩn có hại) và bù nước và chất điện giải. Các nhóm thuốc ưu tiên sử dụng:
- Nhóm bù nước và chất điện giải : ORESOL là một điển hình. Nước và chất điện giải đóng góp một vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta, chúng tạo ra sự cân bằng về sinh hoá trong cơ thể cho nên nếu thiếu hụt cơ thể sẽ có những rối loạn nhất định.
- Men vi sinh: đây thực ra là các vi khuẩn sống(tất nhiên là VK có lợi) được đông khô, khi vào trong ruột chúng sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp các vi khuẩn có hại để lập lại trạng thái cân bằng.
- Chất hấp thụ : Attapulgit, than hoạt tính chẳng hạn. Chúng có tác dụng hấp thụ các độc tố,khí hơi trong đường ruột.
- Nhóm hỗ trợ : Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng, đau quoặn thắt ở vùng rốn, tuy nhiên, bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng thuốc hỗ trợ giảm đau mà chỉ nên dùng cao xoa bóp, dầu gió, cao đắp rốn từ thảo dược hoặc cao dán rốn dạng hấp thu mạnh có hỗ trợ điều trị tiêu chảy và chữa đau bụng.
Cần lưu ý : trong điều trị tiêu chảy không nên lạm dụng các thuốc làm giảm nhu động ruột như Loperamid, Opioid.v.v.vì lý do độc tố, vi khuẩn có hại cần được đưa ra khỏi cơ thể thông qua việc đi tiêu mà loại thuốc này làm cản trở quá trình đi tiêu. Bên cạnh đó chúng cũng có một số tác dụng phụ mà ta cần phải thận trọng khi dùng nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ em.
Tiêu chảy mãn tính : Thường có liên quan đến một bệnh nào đó trên cơ thể, nên việc chữa triệu chứng tiêu chảy không thích hợp bằng chữa nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như dùng cholestyramin chữa tiêu chảy liên quan đến sự hấp thu các acid mật kém. Trong trường hợp không loại trừ được bệnh đã gây ra tiêu chảy mạn tính thì có thể mới chữa triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy của bệnh nhân đái tháo đường .
Phương Liên