Bệnh gút được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” sở dĩ bởi người giàu mới có điều kiện được ăn uống quá nhiều thực phẩm có chứa các bazơ purin – nguồn gốc chủ yếu tạo ra acid uric gây ra bệnh gút. Ngày nay đời sống ngày càng được chăm chút, cuộc sống no đủ khiến cho bệnh gút không chỉ là xảy ra với những người có điều kiện mà có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong đó nam giới có nguy cơ bị bệnh hơn nữ giới và những phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về căn bệnh này.
Dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh gút
Gút xuất hiện với cảm giác đau đớn dữ dội tại các khớp đặc biệt là khớp ngón chân cái
Hầu hết các trường hợp bệnh gút đều có một nỗi khổ chung là những cơn đau đột ngột, thường vào ban đêm do bệnh gút mang lại. Diễn biến rất âm thầm và không có những dấu hiệu báo trước. Dưới đây là 2 triệu chứng cơ bản mà hầu như người mắc bệnh gút nào cũng đã từng trải qua:
1. Cảm giác đau dữ dội ở khớp.Gút tác động nhiều nhất tới khớp ngón chân cái nhưng có thể xảy ra ở bàn chân, cổ chân, đầu gối, bàn tay và cổ tay. Hầu hết các cơn đau thường kéo dài 5 đến 10 ngày mà sau đó hết. Khó chịu giảm dần sau một hai tuần, để lại khớp có vẻ rất bình thường và không đau.
2. Cảm giác sưng, nóng và thấy các khớp bị đỏ lên. Thường thì gút xuất hiện khá đột ngột, đêm trước khi đi ngủ người bệnh vẫn còn trong trạng thái bình thường, sang ngủ đậy đã thấy đau đơn một cách khủng khiếp một ngón chân cái hoặc một số nơi khác, phần khớp hoặc da bị viêm và các phần xung quanh sưng tấy đỏ, khi xét nghiệm nước tiểu và dịch khớp thấy có độ tập trung acid uric cao hơn mức bình thường.
Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh gút do nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao, sự gia tăng acid uric trong máu, tích lũy dần dần và lắng đọng thành những tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp hoặc các bao quanh khớp gây ra triệu chứng đau đớn, viêm sưng khớp.
Nguy cơ bệnh gút gia tăng ở những người có lối sống không lành mạnh (những người uống nhiều cồn đặc biệt là bia), những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, hẹp lòng động mạch, phẫu thuật hoặc một số bệnh lý và tổn thương nặng, đột ngột, ít vận động.
Bệnh gút cũng có khả năng xảy ra ở những người phải sử dụng nhiều thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp …. , người có tiền sử người thân trong gia đình bị gút. Người ta cũng thống kê được rằng, bệnh gút xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nam giới thường bị gút ở trong độ tuổi khoảng 30-50 tuổi, còn nữ từ 50-70.
Uống nhiều rượu có nguy cơ bệnh gút
Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gút
Để có kết luận chính xác nhất về bệnh gút người bệnh có thể tiến hành một số xét nghiệm và chẩn đoán như lấy dịch khớp bị bệnh đi tìm tinh thể acid uric trong bạch cầu, xét nghiệm nước tiểu để đo lượng acid uric được bài xuất, xét nghiệm máu đo nồng độ acid uric trong máu.
Biến chứng nếu bệnh gút không được điều trị triệt để
Khi bệnh gút không được điều trị đúng hoặc không được điều trị bệnh để lại những biến chứng có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong. Dưới đây là một trong số các biến chứng của bệnh gút:
1. Tổn thương xương khớp. Đó là tình trạng hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân bị tàn phế. Các hạt tophi bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.
2. Nguy cơ sỏi thận do sự lắng đọng của muối urats trong thận, ngoài ra người bệnh gút còn tăng nguy cơ thận ứ nước ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim….
3. Dễ chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn. Khi bị chẩn đoán nhầm, bệnh sẽ được điều trị bằng rất nhiều loại kháng sinh khác nhau, và có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh thậm chí có thể gây tử vong.
4. Dễ chẩn đoán nhầm với viêm khớp dạng thấp. Khi đó việc điều trị tràn lan bằng các thuốc chống viêm dễ dẫn tới các biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp….
5. Tổn thương các cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng do ảnh hưởng bởi các loại thuốc chống viêm trong quá trình điều trị bệnh gút.
Điều trị cho người bệnh gút
Nguyên tắc điều trị cho người bệnh gút chủ yếu là chống viêm khớp trong các đợt cấp, hạ acid uric máu để phòng ngừa những đợt viêm khớp cấp tái phát, ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, cần điều trị bệnh lý rối loạn chuyển hóa đi kèm nếu có như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu , béo phì …Quá trình điều trị nên tiến hành điều trị viêm khớp cấp trước, sau khi tình trạng viêm khớp đã hết hoặc thuyên giảm mới bắt đầu dùng thuốc hạ acid urid máu, để việc điều trị có hiệu quả cần kiểm tra acid uric máu, niệu, chức năng thận thường xuyên. Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ và khác nhau theo từng cấp độ bệnh:
Đối với cơn gút cấp: Sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid, colchicin, corticosteroid, trong đó thuốc chống viêm không steroid được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Sử dụng thuốc tùy theo bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo như bệnh thận hay dạ dày tá tràng.
Điều trị dự phòng cơn gout cấp tái phát bằng cách điều trị giảm acid uric máu, hạn chế sự lắng đọng urat trong mô và tổ chức từ đó hạn chế các cơn gout tái phát và ngăn ngừa hình thành gout mạn tính.
Đối với các cơn gút mạn tính, mục tiêu việc điều trị là giảm acid uric máu để tránh biến chứng suy thận mạn, bệnh nhân thường được sử dụng thuốc ức chế tổng hợp acid uric và co thể kết hợp dùng thêm colchicin tùy theo trường hợp. Có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid cho những bệnh nhân viêm khớp còn đang tiến triển.Nếu có tổn thương thận phải chú ý đến tình trạng nhiễm khuẩn (viêm thận kẽ), tình trạng suy thận tiềm tàng, cao huyết áp, sỏi thận,… tiên lượng của bệnh gout tùy thuộc vào mức độ tổn thương thận. Một số u cục (tôphi) quá to cản trở vận động có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ (tôphi ở ngón chân cái không đi giày được, ở khuỷu tay khó mặc áo,…)
Phòng ngừa bệnh gút bằng cách nào?
Để phòng ngừa bệnh gút, chúng ta nhất thiết phải điều chính chế độ ăn uống, theo đó, chúng ta nên kiêng các loại thực phẩm, nước uống có khả năng làm tăng nhanh lượng acdid uric máu. Hàng ngày, nên tăng cường uống nước kèm theo các loại rau quả, canh …, thực hiện chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân nếu thừa cân, uống nhiều nước đặc biệt là nước khoáng kiềm để tăng cường tải tiết acid uric qua nước tiểu.
Dưới đây là một số lời khuyên phòng ngừa bệnh:
- Lượng thịt ăn hàng ngày không nên quá 15g, tránh ăn phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, các loại hải sản. Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.
- Nên bổ sung thêm ngũ cốc, bánh mì trắng trong thực đơn hàng ngày.
- Ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.
- Tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh… vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.
- Bỏ rượu, kể cả rượu vang, rượu thuốc.
- Bệnh gút mang lại nhiều khó chịu cho người bệnh, vậy nên để giảm những khó chịu cho người bệnh, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mọi mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất như tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress… Ngoài ra, bệnh nhân gút cần tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin.
Tuelinh.vn (Tổng hợp)