Châm cứu có thể làm tăng nguy cơ viêm gan ở người Mỹ gốc Á
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Bệnh đường tiêu hóa, châm cứu là yếu tố nguy cơ lây nhiễm viêm gan C lớn nhất đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu của họ đã xác nhận những phát hiện từ một vài nghiên cứu cắt ngang về cộng đồng người Châu Á trên khắp nước Mỹ. Kết quả cho thấy việc thường xuyên dùng kim (châm cứu) không đủ vệ sinh làm tăng tỉ lệ lây nhiễm viêm gan C. Tỉ lệ người Mỹ-Á mang virus có thể đạt đến 6%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước Mỹ là 1,3%.
Châm cứu có thể làm tăng nguy cơ viêm gan ở người Mỹ gốc Á (Ảnh minh họa )
Virus viêm gan C có thể sống trên bề mặt đến 6 tuần
Các vết máu khô chứa virus viêm gan C (HCV) được đặt trên bề mặt tĩnh vẫn có thể gây lây nhiễm ở điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 6 tuần. Các sản phẩm tẩy rửa thông thường có thể làm giảm sự lây nhiễm nhưng sẽ không có hiệu quả nếu không được pha loãng đúng cách. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale đã đăng những kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm , nhằm mục đích giải thích các trường hợp lây truyền HCV xảy ra ở bệnh viện.
Các nhà khoa học đặt những giọt máu chứa HCV ở mức có thể lây nhiễm trên đĩa, làm khô rồi bảo quản chúng ở nhiệt độ 3,8 ° C; 22,2 ° C và 37,8 ° C trong 6 tuần. Họ cũng xác định tính hiệu quả của 3 sản phẩm tẩy rửa đang có trên thị trường gồm chất tẩy màu, CaviCide (sản phẩm sát trùng dụng cụ y tế) và cồn, trong việc làm giảm khả năng lây nhiễm HCV trong các giọt máu.
Ở 37,8 ° C, virus duy trì khả năng lây nhiễm đến 1 tuần. Khoảng thời gian này tăng lên đến 6 tuần ở những giọt máu bảo quản ở 3,8 và 22,2 ° C. Ở nhiệt độ thấp hơn, khả năng lây nhiễm giảm đáng kể trong 2 tuần đầu, mặc dù HCV vẫn có thể lây nhiễm ở mức độ thấp kéo dài đến 6 tuần.
Cho các giọt máu tiếp xúc với chất sát trùng trong vòng 1 phút. Kết quả cho thấy hiệu quả 100% khi dùng các chất tẩy màu pha loãng với tỉ lệ 1:10, 94% khi dùng CaviCide pha loãng với nồng độ tương tự và 87% khi dùng cồn ở nồng độ 70%. Nếu các sản phẩm này bị pha loãng hơn, hiệu quả của chúng giảm đi đáng kể.
Gilead chuẩn bị nộp hồ sơ thuốc phối hợp Sovaldi/Ledipasvir lên FDA
Gilead Sciences mới tuyên bố kết quả điều trị gần như tuyệt đối từ 3 thử nghiệm lâm sàng pha 3 của sản phẩm phối hợp giữa thuốc đã được cấp phép Sovaldi (sofosbuvir) và hoạt chất nghiên cứu ledipasvir, dùng hoặc không dùng cùng ribavirin trên bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C (HCV) tuýp 1. Công ty dược phẩm này đang dự kiến sẽ nộp hồ sơ đăng ký thuốc lên Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ vào quý I năm 2014.
Các kết quả thu được từ nghiên cứu ION-1, ION-2 và ION-3 bao gồm 1.952 bệnh nhân tuýp 1 tham gia được chia nhóm ngẫu nhiên để dùng viên thuốc chứa hoạt chất ức chế polymerase có cấu trúc tương tự nucleotid Sovaldi và chất ức chế NS5A ledipasvir, phối hợp hoặc không phối hợp với ribavirin trong 8, 12 hoặc 24 tuần. Có tổng cộng 1.512 người chưa từng được điều trị, 440 người đã được điều trị và 224 người bị xơ gan còn bù. 2 trong số các nhóm dùng thuốc trong 24 tuần vẫn chưa kết thúc thử nghiệm; kết quả của các nhóm này sẽ được công bố tong tương lai.
Nhìn chung, có 96% người bệnh (1.518) đạt đáp ứng virus duy trì 12 tuần sau khi kết thúc điều trị (SVR12, được coi là chữa khỏi)
Cụ thể, nhóm bệnh nhân chưa từng điều trị (dùng hoặc không dùng ribavirin) trong 8 tuần và nhóm bệnh nhân đã điều trị (dùng ribavirin, có 20% xơ gan) trong 12 tuần có tỉ lệ chữa khỏi thấp nhất là 93-94%. Trong 2 nhóm có thời gian điều trị 12 tuần, các bệnh nhân chưa từng điều trị không dùng ribavirin có tỉ lệ chữa khỏi là 95,4% và nhóm bệnh nhân đã từng điều trị (20% xơ gan) có tỉ lệ chữa khỏi là 96,4%. Trong một nhóm có tỉ lệ xơ gan là 15,7% được điều trị trong 12 tuần, tỉ lệ chữa khỏi là 97,2% nếu dùng ribavirin và 97,7% nếu không dùng thuốc. Cuối cùng, một nhóm có 20% bệnh nhân xơ gan dùng thuốc trong 24 tuần có tỉ lệ chữa khỏi là 99,1% dù dùng hay không dùng ribavirin.
Có một số tác dụng phụ ở nhóm bệnh nhân chỉ dùng viên kết hợp so với nhóm bệnh nhân dùng thêm cả ribavirin. Các tác dụng này nhẹ, bao gồm mệt mỏi, đau đầu. Đối với những bệnh nhân dùng ribavirin, các tác dụng phụ phổ biến nhất là mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và mất ngủ. Chỉ có 0,5% bệnh nhân không dùng ribavirin bị thiếu máu so với 9,2% bệnh nhân dùng cả ribavirin. Dưới 1% số bệnh nhân phải ngừng điều trị vì tác dụng phụ.
Theo tuelinh.vn (Tổng hợp)