Cao huyết áp hiện là bệnh mãn tính phổ biến nhất trong cộng đồng. Nguyên nhân chưa được biết rõ, tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố môi trường (dinh dưỡng, lối sống) kết hợp với yếu tố di truyền là nguyên nhân chính gây ra bệnh này.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, rõ ràng môi trường có vai trò to lớn, vì ở một số cộng đồng không có vấn đề cao huyết áp, nhưng nếu cộng đồng đó thay đổi lối sống, cách ăn uống, cao huyết áp có thể tăng cao với tỉ lệ tới 30% dân chúng. Cùng trong môi trường sống bất lợi đó, không phải ai cũng bị cao huyết áp mà chỉ có những người có yếu tố di truyền (genotype) bị mắc mà thôi. Ngược lại, ở những cộng đồng sống bằng săn bắn, hái lượm có lượng sodium (Na+) tiêu thụ thấp và lượng potassium (K+)tiêu thụ cao trong khẩu phần ăn thì không có cao huyết áp.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, một số người, với một sự bất thường nào đó của genotype (mà hiện nay chưa xác định), khi tiếp xúc với chế độ ăn có lượng Sodium (Na+) cao, lượng potassium (K+) thấp, với những thay đổi trong lối sống như stress, uống rượu, mập phì… dẫn đến tăng huyết áp.
Các bất thường về gene có thể liên quan đến việc tổn thương hệ thống kiểm soát thải NaCl hoặc là sự khiếm khuyết của thận trong khả năng thải Na+. Như vậy, cao huyết áp được gọi là vô căn (Essential hypertention) nhưng thực ra cũng có nguyên nhân, đó là sự thay đổi chế độ ăn, lối sống ở những người có yếu tố gen nhạy cảm cao huyết áp. Vấn đề thách thức trong thời gian tới là xác định được các đối tượng này, để tác động vào chế độ ăn và lối sống, để bảo vệ họ phòng ngừa việc xuất hiện cao huyết áp ở họ.
Bs. Nguyễn Thị Kim Hưng
Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM