Són tiểu có thể khiến con người ta ngại ngùng, xấu hổ và đó cũng là nguyên nhân chính mà nhiều người biết mình bị tiểu són nhưng vẫn e dè không chủ động khám và điều trị. Theo thống kê của Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, có tới 15% – 35% phụ nữ mắc chứng són tiểu và đối tượng dễ mắc phải là người lớn tuổi, sinh nhiều con, hoạt động thể lực nặng hoặc mắc các bệnh do áp lực của ổ bụng như trĩ, trực tràng …
Theo PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiểu són là do thoái hóa mô cơ, dãn dây chằng nâng đỡ vùng dây chậu dẫn đến tình trạng nước tiểu thoát ra thình lình không theo ý muốn khi ho, hắt hơi, cười; đi lại, tập luyện thể thao, nâng vật nặng; thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng; người bệnh phải đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Són tiểu dễ gặp ở người lớn tuổi, sinh nhiều con, hoạt động thể lực nặng, mắc các bệnh do áp lực của ổ bụng như trĩ, trực tràng… Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh són tiểu như ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con hoặc suy giảm nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh khiến vùng sàn chậu yếu đi; bệnh Parkinson hoặc liệt nửa người ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bàng quang…
Són tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ nhưng chủ yếu ở nữ và có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục do luôn ở trong tình trạng ẩm ướt, không gây chết người và cũng không bắt buộc phải điều trị nếu bệnh nhân chấp nhận “sống chung với lũ”.
Về nguyên nhân dẫn đến són tiểu ở nam giới, có thể do mắc phải một số bệnh như sưng tuyến tiền liệt, đái tháo đường hay Parkinson. Nó khá phổ biến sau một số dạng phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến.
Và đôi khi, nó bắt nguồn từ những nguyên nhân mà con người chưa giải thích nổi, ví như hiện tượng hoạt động quá mức của bàng quang. Vì thế, việc chẩn đoán đúng nguyên nhân sẽ là bước quan trọng để kết quả điều trị tốt.
Có nhiều giải pháp điều trị chứng này, đó là tư vấn thay đổi lối sống, sinh hoạt; tập vật lý trị liệu bằng máy chuyên dùng; đặt dụng cụ trong âm đạo, âm hộ; dùng thuốc, phẫu thuật. Hiện có 2 phương pháp phẫu thuật để điều trị với tỉ lệ thành công tương đương nhau (khoảng trên 90%), gồm: phẫu thuật cổ điển (chi phí thấp nhưng để lại sẹo mổ, ngày nằm viện dài, nguy cơ nhiễm trùng cao), phẫu thuật theo kiểu mới (thời gian nằm viện chỉ 24 giờ nhưng giá cao và dễ thải ghép).
Chứng són tiểu rất dễ lầm với các bệnh khác như bàng quang tăng hoạt, viêm mô kẽ bàng quang, viêm bàng quang nội tiết… Nếu chẩn đoán sai thì sau phẫu thuật, bệnh nhân không hết bệnh mà còn bí tiểu. Do vậy, người bệnh cần đến khám ở những bệnh viện chuyên ngành thận niệu (Bình Dân, Từ Dũ, Hùng Vương… ở TPHCM) để được phát hiện và điều trị kịp thời.