Với việc dư luận xã hội có nhiều thông tin khác nhau về cao xương ngựa và cao xương động vật. Để giúp cho người tiêu dùng có thêm thông tin chính xác về loại sản phẩm này, PGS-TS Trần Đáng, nguyên là Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế, nay là Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng đã có một số trao đổi về vấn đề này.
Xin ông cho biết các sản phẩm về ngựa có thể sử dụng cho việc nâng cao sức khoẻ của con người?
– Từ xa xưa, cha ông ta đã sử dụng 8 sản phẩm cho việc nâng cao sức khoẻ con người, đó là: 1. Thịt ngựa (còn gọi là mã nhục) có 21,5% protit, 5-7% lipit, các muối khoáng và các vitamin. Thịt ngựa có vị ngọt, tính nóng, có tác dụng cường cơ, bổ gân.
2. Sữa ngựa (còn gọi là mã nhũ): Thành phần gồm: 2,1% protit (cao hơn sữa mẹ 1,5%); 1,1% lipit; vitamin C (cao hơn sữa bò); các muối khoáng và chất vi lượng. Sữa ngựa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, phục hồi sức khoẻ do suy nhược.
3. Xương ngựa (còn gọi là mã cốt), chứa nhiều canxi phosphat, keratin, oscein… sản phẩm của xương ngựa chủ yếu là cao xương ngựa. Cao xương ngựa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương.
4. Sỏi dạ dày, sỏi mật ngựa (còn gọi là mã bảo): Có vị mặn, tính lạnh, có tác dụng trấn kinh, hoá đờm, dùng chữa co giật, điên cuồng, động kinh.
5. Phân ngựa: Theo tài liệu “Nam dược thần liệu” và một số tác giả khác, có thể phối hợp với một số dược thảo khác để chữa thổ huyết, chữa đau thắt ngực.
6. Dương vật ngựa: Theo dân gian có thể chữa liệt dương.
7. Móng chân ngựa: Đốt cháy thành than, bôi chữa trĩ.
8. Máu ngựa: Được ứng dụng để sản xuất huyết thanh miễn dịch.
Thưa ông, các loại cao nấu từ xương động vật có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử y học và dinh dưỡng của loài người? Có phải các loại cao xương động vật chỉ là đặc thù của y học phương Đông và phù hợp với tâm lý người tiêu dùng châu Á?
– Các loại cao xương động vật được sản xuất từ lâu đời nhằm mục đích phục vụ sức khoẻ con người như: Cao xương hổ, cao xương gấu, cao xương ngựa… Đây là đặc thù của nền y học phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Cao xương động vật được sử dụng rất rộng rãi trong dân gian và các giới quý tộc từ rất xa xưa đã dùng để bồi dưỡng sức khoẻ và chữa trị nhiều chứng bệnh.
Theo GS. Đỗ Tất Lợi, “cao xương hổ là một vị thuốc rất được tín nhiệm trong nhân dân, chủ yếu được dùng trong những bệnh đau xương, tê thấp, cảm gió, điên cuồng và làm thuốc bổ”; “Cao xương ngựa có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương, dùng để chữa suy nhược cơ thể ở người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn”; “Cao xương gấu để chữa tê thấp, đau lưng, mỏi gối”. Sử dụng các loại cao xương động vật là phù hợp tâm lý người tiêu dùng Châu Á và Phương Đông từ lâu đời.
Vậy cao xương ngựa có được coi là thuốc hay không? Đặt tên cho cao xương ngựa là TPCN liệu có thích hợp.
– Mặc dù các nhà Đông y cho cao xương ngựa là một sản phẩm thuốc cổ truyền, nhưng theo quan điểm hiện nay, cao xương ngựa xếp vào nhóm thực phẩm chức năng là thích hợp nhất. Trong nhóm thực phẩm chức năng có nhiều tên gọi khác nhau. Theo tôi, cao xương ngựa gọi là: Thực phẩm bổ dưỡng thì dân gian dễ hiểu và phù hợp với tác dụng của cao xương ngựa. Cao xương ngựa được nhiều người biết đến là thực phẩm rất quý, chính vì thế, nhiều loại cao xương ngựa không nguồn gốc, nhãn mác lại xuất hiện tràn lan. Vậy ông người tiêu dùng làm thế nào để phân biệt được loại cao nào tốt để sử dụng an toàn, hiệu quả?
– Thực tế, đã có nhiều loại cao xương ngựa không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, không riêng gì cao xương ngựa mà nhiều sản phẩm khác khi được người tiêu dùng quan tâm cũng có hiện tượng tương tự.
Thông thường, một sản phẩm TPCN muốn được lưu hành trên thị trường thì nhà sản xuất phải xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng, vi sinh, kim loại nặng, vệ sinh, nhãn mác… cho sản phẩm của mình và được cơ quan chức năng (Bộ Y tế) xem xét. Nếu tiêu chuẩn đó phù hợp với tiêu chuẩn Nhà nước qui định, đảm bảo về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm thì sẽ cấp cho sản phẩm đó giấy chứng nhận tiêu chuẩn, số chứng nhận sản phẩm.
Do vậy, người tiêu dùng khi chọn mua cần xem xét kỹ những thông tin về chất lượng VSATTP in trên bao bì nhãn mác, đặc biệt xem xét nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó (tên công ty, cơ sở sản xuất). Sức khoẻ là tài sản vô giá của mỗi chúng ta, vì thế không nên xem thường, tham rẻ mua những sản phẩm trôi nổi chưa được đăng ký kiểm định cấp phép của ngành y tế.
Xin cảm ơn ông!
.C.Q
Theo: Vietnamnet.vn
:caongua: