Năm 2006 một số trẻ tử vong sau tiêm viêm gan B nhưng không liên quan đến văcxin, nhiều bệnh viện đã ngừng tiêm chủng bé sau sinh. Hậu quả là đến nay diện bao phủ tiêm chủng giảm xuống chỉ còn khoảng 20%, so với hơn 60% trước đó.
Thông tin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp nhân Ngày Viêm gan thế giới đầu tiên (28/7).
Theo đó, người bị nhiễm virus viêm gan B ở khu vực Tây Thái Bình Dương chiếm gần một nửa số nhiễm virus này trên toàn cầu. Trong khi hầu hết các nước trong khu vực đã giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ xuống thấp dưới 2%, thì Việt Nam vẫn chưa đạt được.
WHO cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do diện bao phủ tiêm chủng còn thấp. Số lượng lớn các ca sinh đẻ tại nhà, gây khó khăn trong việc cung cấp vắcxin và các dịch vụ chăm sóc y tế khác.
Theo số liệu của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chích ngừa viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh đã đạt hơn 60% vào năm 2005. Nhưng đến năm 2008 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 25%. Năm 2009, con số này tăng lên được 40% nhưng trong 5 tháng đầu năm 2011 lại xuống rất thấp.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm ngừa tại miền Bắc chỉ còn khoảng 13% và miền Nam 18%. Tới 42 tỉnh, thành không đạt được tỷ lệ 10%. Thậm chí, Cao Bằng, Yên Bái không có bé nào được tiêm. Trong khi đó, tại Việt Nam đến 10-20% dân số nhiễm virus viêm gan B.
Viêm gan là một chứng viêm nhiễm ở gan, hầu hết thường do virus gây ra. Có 5 loại virus gây bệnh chính là A, B, C, D và E. Trong đó viêm gan A và E thường do ăn uống phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. 3 bệnh còn lại vì tiếp xúc với các dịch tiết cơ thể bị nhiễm bệnh như: truyền máu của người nhiễm bệnh, các thủ thuật y tế có sử dụng dụng cụ nhiễm khuẩn.
Viêm gan B là bệnh có thể phòng ngừa từ lúc mới sinh bằng tiêm văcxin. Văcxin có thể ngăn ngừa lây nhiễm thậm chí sau khi phơi nhiễm với virus. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình và qua quan hệ tình dục.
Nam Phương
Theo vnexpress.net