Mãn dục nam xuất hiện khi tinh hoàn không tiết đủ lượng nội tiết tố sinh dục nam (Testosterone). Bệnh có thể tác động đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể với hàng loạt dấu hiệu như sức khỏe giảm, mau bị mệt mỏi…
Mãn dục nam không phải là bệnh cấp tính hoặc nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của đàn ông, hạnh phúc gia đình và công việc. Bệnh thường xuất hiện ở đàn ông sau 30 tuổi, tác động rõ rệt nhất đến cơ thể sau độ tuổi 40.
Nồng độ testosterone của nam giới suy giảm từ từ, bắt đầu ở tuổi 30 và tiếp tục giảm 0,8 – 1,3% sau mỗi năm. Ở tuổi 40, khi lượng testosterone sụt giảm nhiều (khoảng 30%), nam giới sẽ xuất hiện triệu chứng của mãn dục như nhức đầu, mất ngủ, cáu gắt mệt mỏi, mệt lả người, ngủ gà ngủ gật, da khô, tóc rụng, tóc bạc, khối lượng cơ giảm, cơ teo nhỏ đi, khối lượng mỡ lại tăng lên, đặc biệt ở vùng bụng – chứng béo bụng.
Ngoài ra, testosterone giữ vai trò quan trọng trong duy trì mật độ xương. Khi nó giảm, sự mất xương sẽ diễn ra nhanh hơn. Do đó, người đàn ông có nguy cơ loãng, gãy xương. Cổ tay, xương sống, đầu trên xương đùi và xương sườn là những nơi hay bị gãy nhất. Giảm mật độ xương cũng có thể làm cho gù vai, giảm chiều cao. Hơn nữa, bệnh cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, cao mỡ máu cũng dần xuất hiện ở nam giới mãn dục.
Một số nghiên cứu cho thấy việc giảm nồng độ testosterone có liên hệ với các bệnh lý về tim như mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim… ở nam giới. Đặc biệt, lượng testosterone ít khiến người bệnh giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương và giao hợp giảm khoái cảm (có thể mất hẳn khoái cảm), xuất tinh sớm hoặc khó xuất tinh, liệt dương…
Để trị bệnh, bạn có thể bổ sung testosterone theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên thay đổi lối sống như ngừng thuốc lá, cai rượu, giảm ăn mỡ, luyện tập thể dục giảm béo phì, tăng sức dẻo dai của cơ bắp để mang lại cảm giác thoải mái.
Bác sĩ Lê Hùng
Nguyên Phó Viện trưởng Viện YDHDT TP HCM