Theo các chuyên gia về tim mạch, trên 90% trường hợp đau thắt ngực là do hậu quả của xơ vữa động mạch. Đau thắt ngực được chia thành các thể lâm sàng như đau thắt ngực dạng ổn định, dạng không ổn định, đau thắt ngực kiểu Prinzmetal …
Đau thắt ngực ổn định (Stable angina):
Cơn điển hình như đã mô tả ở trên: đau xuất hiện khi gắng sức, đau sau xương ức, đau vùng ngực trái có lan ra cánh tay, cẳng tay; hết đau khi ngừng gắng sức hoặc dùng thuốc giãn mạch vành.
Đau thắt ngực không ổn định (Instable angina):
– Đau xuất hiện khi nghỉ ngơi, thường xảy ra vào ban đêm; thời gian mỗi cơn đau kéo dài từ 5-30 phút, mức độ nặng của bệnh tăng dần lên, khả năng gắng sức giảm, thời gian và tần số cơn đau cũng tăng dần, đáp ứng với thuốc giãn động mạch vành giảm dần.
– Điện tâm đồ ghi trong lúc đau ngực thường có dấu hiệu thiếu máu nội tâm mạc, không thấy có dấu hiệu hoại tử cơ tim trên điện tâm đồ.
– Xét nghiệm các enzym tim còn trong giới hạn bình thường.
Đây là hội chứng đe doạ chuyển thành nhồi máu cơ tim, cần phải được điều trị và theo dõi sát.
Cơn đau thắt ngực kiểu Prinzmetal:
– Là một dạng đặc biệt của cơn đau thắt ngực không ổn định. Đau tự phát, không liên quan đến gắng sức, đau dữ dội có thể gây ngất. Cơn đau kéo dài 5-15 phút, thường xảy ra vào những giờ cố định, diễn tiến theo chu kỳ.
– Điện tim trong cơn đau thấy đoạn ST chênh lên rõ rệt, ít khi có ST chênh xuống, không thấy sóng Q hoại tử. Ngoài cơn đau thì điện tâm đồ bình thường hoặc chỉ thay đổi ít.
– Không thấy các dấu hiệu sinh hoá biểu hiện hoại tử cơ tim.
– Nguyên nhân: do co thắt mạch vành. Diễn biến bệnh thường nặng, cần phải được điều trị khẩn cấp.
Thiếu máu cơ tim cục bộ thể câm
Bệnh nhân không có triệu chứng đau ngực hoặc chỉ đau rất nhẹ. Nhờ có ghi điện tim liên tục (holter) mới phát hiện được những thay đổi của đoạn ST; một số được chẩn đoán nhờ biện pháp gắng sức.
Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt các cơn đau thắt ngực
Chẩn đoán xác định: dựa vào các yếu tố sau.
– Đặc tính của cơn đau.
– Thay đổi của điện tim, chủ yếu đoạn ST chênh xuống trong lúc có đau ngực hoặc khi làm nghiệm pháp gắng sức.
– Điều trị thử bằng thuốc giãn động mạch vành hoặc chụp xạ tim đồ (nếu có điều kiện).
Chẩn đoán phân biệt với tất cả các bệnh gây đau vùng tim:
– Sa van hai lá.
– Viêm màng ngoài tim.
– Phình bóc tách thành động mạch chủ.
– Viêm co thắt thực quản.
– Bệnh túi mật.
– Thoát vị cơ hành.
– Viêm sụn sườn; vôi hoá sụn sườn; thoái hoá khớp vai; khớp cột sống lưng.
– Cũng cần phân biệt cơn đau vùng tim thuộc bệnh tâm căn.