Tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là một trong những biến chứng thường gặp, gây viêm cho các đầu mút (thần kinh ngoại biên đi đến cánh tay, bàn tay, cẳng chân, bàn chân và một số trường hợp nó ảnh hưởng đến cả các cơ quan sinh dục ngoài) gây tê nhức, mỏi đau.
Biến chứng này thường gặp ở những người mắc đái tháo đường lâu năm mà không kiểm soát được mức đường huyết và nó cũng có thể xuất hiện trước khi người benẹh được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường. Đây là một biến chứng rất thường gặp, khoảng 70% người bị đái tháo đường mắc phải. Điều nguy hiểm là dù được điều trị, tổn thương hệ thần kinh ngoại biên vân có xu hướng ngày càng nặng hơn và cuối cùng là dẫn đến loét. Sự lở loét này là do các dây thần kinh vận động ngày càng yếu. khi đó có thể gây biến dạng hoàn toàn nếu không biết cách chăm sóc chân, cách đi giầy và làm mức độ tổn thương ngày một nặng hơn.
Giảm hoặc mất cảm giác cũng là những biểu hiện ít được mọi người chú ý. Triệu chứng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng và cũng gây ra lở loét. Khi lở loét sẽ dẫn đến sự viêm nhiễm, khiến khó khăn hơn trong việc điều trị. Thêm vào đó là một khó khăn khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn chính là sức đề kháng cơ thể của người đái tháo đường với các viêm nhiễm cũng rất kém. Sự xuất hiện các cục chai, cứng cũng là những biểu hiện thường gặp.
Chính vì vậy việc chăm sóc bàn chân đúng cách ngày từ đầu đối với người bị mắc đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Chăm sóc bàn chân cần lưu ý một số điểm sau:
– Nên tập thói quen kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Khi tắm hoặc bất kỳ khi nào như ngồi chơi, nói chuyện…có thể kiểm tra toàn bộ bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như vết thương, trầy xước, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước…
Bạn nên thường xuyên kiểm tra bàn chân
Giữ da sạch và khô: Rửa bàn chân bằng xà phòng mỗi ngày và lau thật khô, nhẹ nhàng, không làm cọ sát mạnh. Chú ý lau kỹ những nơi dễ đọng nước, như kẽ ngón chân, móng chân. Chú ý trường hợp bàn chân hay có mồ hôi thì có thể giữ khô chân bằng các loại phấn thông thường trước khi mang tấy, giày.
Phòng da quá khô : Nên dùng các loại xà phòng rửa chân loại nhẹ ít chất xút, nhiều chất giữ ẩm da, ít mùi thơm và ít bọt. Cần xả nước thật sạch để tránh đọng xà phòng gây kích ứng da và ngứa. Sau khi tắm, nên dùng thêm các loại cream, lotion để giữ ẩm da, đặc biệt ở vùng gót chân, để ngừa các tổn thương da do chứng khô da gây nên, như: cục chai, mắt cá, nứt nẻ chân. Tuy nhiên, không nên thoa những chế phẩm giữ ẩm này vào kẽ chân, vì những vùng này vốn đã ẩm ướt rồi.
Lưu ý nhiệt độ: Cẩn thận khi dùng nước nóng, tắm hơi (khô, ướt), ngâm chân nước nóng, chườm nóng… Không nên tắm nước nóng lâu, vì có thể gây bỏng do cảm giác da của bệnh nhân tiểu đường đã bị suy giảm. Khi bị lạnh ban đêm cần mang tất chân trước khi đi ngủ.
Uống nhiều nước: Bệnh tiểu đường thường gây tiểu nhiều, làm bệnh nhân mất nước. Vì vậy, cần uống nhiều nước hơn 1,5 lít nước/ngày để bù đắp lượng nước thiếu hụt và giúp da luôn được tươi tắn khỏe mạnh.
Sát trùng da: Khi bị trầy xước da (kể cả lúc cắt móng chân, tay), cần rửa chân sạch bằng xà phòng, thoa dung dịch sát trùng Povidone Iodine, rồi băng lại bằng băng cá nhân hay gạc vô trùng.
Không hút thuốc lá: Vì nó sẽ làm teo hẹp thêm các mạch máu ở chân vốn đã bị hẹp và xơ cứng lại trong bệnh tiểu đường.
Bạn nên uống nhiều nước và không nên hút thuốc.(Ảnh minh họa)
Cắt móng chân: Cần cắt thẳng ngang qua chứ không nên cắt sâu vào 2 khóe móng, nếu không sẽ dễ cắt nhầm vào da và gây nhiễm trùng, móng quặp..
Cắt móng chân và đi dép mềm là những phương pháp hữu ích bảo vệ đôi chân.
Cách chọn giày, dép, tất: Bệnh nhân tiểu đường không bao giờ được đi chân không, bất kể trong nhà hay ngoài đường, vì hầu như mọi đồ vật chung quanh đều ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng gây tổn thương cho bàn chân. Ngoài ra khi mang giày, bắt buộc phải mang tất, nếu không chính đôi giày sẽ lại gây tổn thương. Mang giày đế bằng, không nên mang giày mũi nhọn hay cao gót, vì sẽ làm trọng lực toàn thân đổ dồn vào đầu các ngón chân, về lâu dài sẽ bị cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp. Cần kiểm tra giày trước khi đi để bảo đảm không có bất cứ vật sắc nhọn nào có thể gây tổn thương bàn chân, như: bụi, đất đá, côn trùng, những đường may giày bị sút hay gấp nếp… Luôn đi tất dài hơn ngón chân dài nhất 1-2 cm để tránh ép chặt bàn chân, gây giảm tuần hoàn máu. Tất phải mềm mại và đủ dầy để hạn chế sự cọ xát giữa bàn chân và giày. Không dùng tất nylon hay loại có dải bằng thun co dãn hay nịt bít tất ở đầu mũi bàn chân.