Mất ngủ là một triệu chứng thường thấy ở phụ nữ mang thai giai đoạn cuối. Mất ngủ không nguy hiểm cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi những nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên với những chứng bệnh khác sẽ làm tăng cảm giác khó chịu cho bà bầu. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mất ngủ và các khắc phục cho hiện tượng mất ngủ ở bà bầu.
1. Nguyên nhân khiến bà bầu bị mất ngủ
Bà bầu bị mất ngủ có thể do một số nguyên nhân gây ra. Đó có thể là:
Rối loạn tiêu hóa: Các rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở bà bầu là táo bón, bệnh trĩ, bị ợ hơi, ợ nóng …Việc bổ sung nhiều dưỡng chất trong thời gin mang thai khiến cơ thể thai phụ không thể hấp thụ hết cộng thêm với các thay đổi hormone trong cơ thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, những rối loạn này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà bầu, khiến bà bầu ngủ không ngon và sâu giấc.
Vị trí ngủ không phù hợp: Vị trí ngủ không phù hợp cũng khiến cho thai phụ khó lòng mà ngủ ngon được. Khi thai nhi phát triển ngày một lớn, bạn sẽ không thể ngủ úp bụng, cũng không thể ngủ ngửa. Hầu như tất cả các tư thế ngủ đều khiến bạn không thể thoải mái.
Ảnh hưởng bởi những giấc mơ : Mang thai là khoảng thời gian tâm trí bạn khá căng thẳng vì vậy những giấc mơ đáng sợ về đêm là không thể tránh khỏi. Những giấc mơ xáo trộn trong đêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó nhắm mắt hoặc bị tỉnh giấc giữa đêm gây tình trạng mất ngủ.
Bà bầu bị chuột rút: Nhiều bà bầu chia sẻ, giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng bởi chuột rút giữa đêm.
Đi tiểu lúc nửa đêm: Khi mang thai, áp lực của em bé đè lên bàng quang của thai phụ khiế cho nhiều thai phụ buồn tiểu lúc giữa đêm. Mà thức dậy lúc giữa đêm nhiều khi thành thói quen dễ dẫn đến chứng mất ngủ.
Do chuyển động của em bé : Không phải cứ khi mẹ đi ngủ thì các em bé trong bụng mẹ đều đi ngủ đâu nhé. Có nhiều bé rất hiếu động huých mạnh trong bụng mẹ khiến thai phụ đột ngột tỉnh giấc và rất khó để có thể ngủ lại.
2. Khắc phục chứng mất ngủ ở bà bầu
Chú ý trong tư thế ngủ. Bà bầu có thể kê một chiếc gối cao gối đầu khi ngủ hoặc ngủ trên võng, ghế đứng. Các chuyên gia khuyên răng, bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ, tư thế ngủ này sẽ giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Trong trường hợp bụng bầu quá cỡ, bạn nên chèn 1 chiếc gối mềm ở phần bụng hoặc mua những chiếc gối chuyên dùng cho bà bầu. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gối quấn toàn thân rất dễ dàng sử dụng và phù hợp với thai phụ. Tư thế ngủ thoải mái sẽ giúp cả mẹ và bé đều thoải mái, dễ có giấc ngủ ngon hơn.
Tránh chuột rút khi ngủ . Các mẹ bầu có thể nhờ ông xã massage, hoặc lấy nước ấm ngâm chân trước khi đi ngủ để tránh hiện tượng chuột rút. Nếu tình trạng này vẫn xảy ra, bạn nên đến gặp bác sỹ để có giải pháp.
Hạn chế tối đa các thức uống chứa chất kích thích và cafein bao gồm nước ngọt, cà phê, trà đặc biệt là lúc buổi sáng đầu giờ hoặc đầu giờ chiều hay trước khi đi ngủ.
Không nên uống quá nhiều nước trong vài giờ trước khi đi ngủ. Nên ăn nhiều vào buổi sáng và buổi trưa, sau đó ăn một bữa ăn nhỏ vào tuổi tối. Nếu trước giờ đi ngủ mà bạn cảm thấy buồn nôn hãy ăn một vài cái bánh quy giòn và lạt.
Nên tập cho mình thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Thai phụ không tập thể dục hay vận động quá sức trước khi ngủ. Thay vào đó, hãy áp dụng vài biện pháp thư giãn đơn giản như ngâm mình trong bồn nước ấm khoảng 15 phút, dùng sữa ấm với mật ong, hay trà thảo dược có tác dụng an thần như trà tim sen …
Thai phụ nên tham gia lớp học Yoga nếu có điều kiện. Có thể tham khảo các cách tập Yoga cho bà bầu, hay tìm hiểu các kỹ thuật khác để giúp bạn giữ được sự thoải mái, thư giãn sau một ngày bận rộn. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập luyện.
Giữ tinh thần luôn thoải mái. Bạn có thể đăng ký tham gia một lớp học tiền sản, các kiến thức khoa học, lời khuyên của chuyên gia cùng sự chia sẻ với các bà bầu cùng cảnh ngộ có thể giúp bạn “đánh bay” lo âu không cần thiết để lấy lại một giấc ngủ ngon.
Nếu đã áp dụng tất cả các phương pháp trên mà vẫn không dụ dỗ mình ngủ được, bà bầu có thể làm một việc gì đó mà mình yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, xem ti vi, lướt web…, khi đó bạn sẽ cảm thấy đủ mệt mỏi để quay lại với giấc ngủ đang chờ đợi sẵn. Đồng thời, nếu có thể hãy tranh thủ ngủ một giấc trưa ngắn khoảng 30 – 60 phút trong ngày để bù đắp lại cho những đêm mất ngủ. Và lưu ý rằng, khi tình trạng mất ngủ quá trầm trọng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thay vì tự ý dùng thuốc ngủ, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc bào chế từ thảo dược, vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Đỗ Vân