Gan là cơ quan đầu tiên trong cơ thể nhận được các chất dinh dưỡng từ cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ thanh lọc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho ung thư từ các bộ phận khác của cơ thể dễ dàng lan xuống gan. Đặc biệt, đối với người trung tuổi trở lên, sức đề kháng kém nên dễ nhiễm virus, nếu không cẩn thận rất dễ viêm gan mạn tính.
Viêm gan mạn tính thường gặp 2 thể:
– Can tỳ bất hòa: Bệnh nhân không sốt, da không vàng hoặc vàng nhẹ, da sạm, gan còn sờ được dưới bờ sườn, mạng sườn đầy tức, ấn đau, chán ăn, cảm giác đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, rêu lưỡi đầy nhớt. Phép trị bệnh là sơ can hòa vị hoặc sơ can kiện tỳ. Tùy theo triệu chứng và bệnh của bệnh nhân mà gia giảm vị thuốc. Theo kinh nghiệm, bài thuốc được dùng như sau: Sài hồ 12g, bạch thược 12g, hương phụ 12g, cam thảo 6g, chỉ xác 6g, trần bì 6g, xuyên khung 6g. Bệnh nhân mệt mỏi nhiều gia thêm nhân sâm 8g. Khí huyết kém, hay chảy nước mắt, mờ thêm kỷ tử, sắc da vàng thì cho thêm nhân trần và chi tử.
– Can khí huyết ứ trệ: Sắc mặt kém tươi nhuận, môi thâm tím, gan to ấn đau, mạng sườn đầy tức, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sắc hoặc trầm khẩn. Phép trị là hoạt huyết hóa ứ. Bài thuốc huyết phủ trục ứ thang gia giảm: Đương quy 12g, bạch thược 10g, đơn sâm 12g, bạch truật 12g, xuyên khung 8g, hồng hoa 8g, hậu phác 8g, sinh địa 12g, xích thược 10g, ngưu tất 12g, sài hồ 12g, đào nhân 8g, trần bì 8g. Bệnh viêm gan mạn do virus trên lâm sàng thường phức tạp nên cần chú ý biện chứng mà luận trị cho từng trường hợp.
Theo Lương y Phó Hữu Đức