Tiêu chảy kéo dài - Bệnh gì?

Tôi bị đi ngoài đã nhiều tháng nay số lần đi trong ngày rât nhiếu lần từ 6 đến 7 lần, phân lỏng và không hề có dấu hiệu như sốt ,đi ngoài ra máu ,nôn mửa hay đau bụng .

tieu-chay-keo-dai

Tôi cũng đã làm đủ thí nghiệm từ phân cho đến nước tiểu cũng như cả máu nữa nhưng không tìm ra được gì hết . Xin cho hỏi bệnh của tôi là bệnh gì ? Quý vị đã gặp trường hợp nào như Tôi chưa ? Xin hãy cho Tôi câu trả lời sơm nhất hiện giờ Tôi rất hoang mang . Tôi xin chân thành cảm ơn !   (nguyen thu thuy)

Trả lời:

Tiêu chảy có thể là cấp tính khi thời gian bệnh tồn tại trong vòng 2-3 tuần, còn lâu hơn gọi là tiêu chảy mạn tính. Trong thư bạn không rõ có triệu chứng gì khác không, cân nặng có thay đổi không?

Nếu thường xuyên tiêu chảy có nghĩa là bệnh đã xuất hiện từ lâu (mạn tính). Tiêu chảy mạn tính có nhiều nguyên nhân, có thể tóm lại thành hai nhóm.

Nhóm 1:   không có tổn thương tại ruột hay gặp là hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS).

Nếu chỉ bị hội chứng ruột kích thích. Trong bệnh này người bệnh đại tiện có thể phân lỏng, không có máu, có thể có nhày, đau bụng, có cảm giác chưa đại tiện hết phân sau khi đi ngoài, nói chung cân nặng của người bệnh ít bị ảnh hưởng và khi xét nghiệm phân cũng như nội soi đại tràng thấy hoàn toàn bình thường.

Nhóm 2:   do thương tổn thực sự như viêm đại tràng do amip và ký sinh trùng, viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn...

Viêm đại tràng mạn là bệnh rất hay gặp ở nước ta. Bệnh xuất hiện sau nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng ở ruột. Bệnh diễn biến mạn tính, có từng đợt tiến triển.

Nguyên nhân:   Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm đại tràng mạn, bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như shigella, samonella...
  • Nhiễm nguyên sinh động vật: amip, lamblia.
  • Nhiễm ký sinh trùng: các loại giun sống ký sinh ở đại tràng như giun đũa, giun kim, giun tóc và các loại sán ruột.
  • Chế độ ăn uống: ăn uống không điều độ kéo dài hoặc các thức ăn gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột.
  • Táo bón kéo dài.
  • Viêm đại tràng thứ phát sau các bệnh khác của hệ tiêu hóa.

Triệu chứng bệnh:   Biểu hiện rất đa dạng

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài: đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn, đi từ 2-6 lần trong ngày. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.
  • Bụng trướng hơi: khu trú dọc khung đại tràng, bệnh nhân luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.
  • Ðau bụng: là triệu chứng hay gặp. Ðau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc đau dọc khung đại tràng. Ðau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Sau khi trung tiện hoặc đại tiện thì đau giảm hơn.
  • Tình trạng toàn thân ít thay đổi. Nếu có thay đổi chỉ gặp ở người luôn lo lắng về trình trạng bệnh tật của mình hoặc ăn uống quá kiêng khem.

Điều trị: Điều trị viêm đại tràng phải do bác sĩ khám chẩn đoán tìm ra nguyên nhân sau đó kê đơn thuốc. Các thuốc hay dùng trong điều trị viêm đại tràng là: Kháng sinh đường ruột (Biceptol, Flagyl, Flagentyl...) và thuốc điều hòa nhu động ruột (Visceralgin, Dobridat, Rekalat...)

Phòng bệnh: Có chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn các thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh (thịt lợn bị bệnh tai xanh, thịt gà bị bệnh cúm...) không ăn quá nhiều thức ăn lên men chua như dưa, cà... Đồng thời, khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm đại tràng, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng thuốc, đúng bệnh và triệt để.

Tuy nhiên, bạn cần tới khám bệnh tại chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị và tư vấn kịp thời.

Chúc bạn mau khỏi!

Bs.thuocbietduoc

(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)

Chủ đề benh tieu chay

Sản phẩm tuệ linh