U nang buồng trứng là một dạng u lành tính và hoàn toàn vô hại, u nang buồng trứng có thể gặp ở phụ nữ trong bất kỳ độ tuổi nào. Người ta đã thống kê được rằng, u nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% trên các khối u buồng trứng. Tuy hầu hết các trường hợp là vô hại, tuy nhiên, chị em không nên xem thường bỏ qua các triệu chứng của hiện tượng này. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về u nang buồng trứng.
Sơ lược về u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là hiện tượng trên buồng trứng có tồn tại một khối u phát triển bất thường. Khối này có thể là tổ chức mới khác với tổ chức buồng trứng bình thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô của buồng trứng hay từ mô của các cơ quan khác trong cơ thể.
Các loại thường gặp của u nang buồng trứng?
Có 2 loại u nang buồng trứng thường gặp đó là u nang cơ năng, và u nang thực thể.
Loại thứ nhất u nang cơ năng chỉ trường hợp những nang nhỏ ở 2 bên buồng trứng do rối loạn chức năng của buồng trứng gây ra, nó có thể tự mất đi sau một thời gian mà không cần bất cứ phương pháp điều trị nào.
Loại thứ 2 là u nang thực thể: phát triển từ các tổn thương thực thể ở buồng trứng.
Diễn tiến của u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có thể diễn tiến theo trình tự sau:
- Giai đoạn 1: Khối u không gia tăng thêm kích thước: thường hiếm gặp.
- Giai đoạn 2: Khối u biến mất: thường xảy ra đối với những khối u cơ năng sau theo dõi từ 2-3 tháng.
- Giai đoạn 3: Khối u ngày càng to ra: bụng ngày càng to, có thể kèm thêm các biến chứng do chèn ép như đau bụng dưới, bí tiểu, rối loạn đi tiêu, báng bụng…
- Giai đoạn 4 : Khối u bị xoắn: khối u bị xoắn quanh cuống (giống như quả trên cành nhưng cuống của khối u buồng trứng vốn là các mạch máu đến và đi từ buồng trứng) làm cho tuần hoàn đến buồng trứng bị ngưng trệ, khối u ngày càng to ra do ứ đọng máu bẩn trong khi máu đến nuôi bị thiếu dẫn đến hoại tử hay vỡ ra. Xoắn hay vỡ là tình trạng cấp cứu cần phải được phẫu thuật ngay.
Các triệu chứng của u nang buồng trứng
Đa số u nang buồng trứng đều không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi tình cờ siêu âm bụng kiểm tra thấy dấu hiệu khối u. Các triệu chứng mà u nang buồng trứng có thể gặp là:
- Sờ thấy khối u trên bụng.
- Đau bụng.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Rối loạn đi tiêu hay đi tiểu.
Người bệnh bị u nang buồng trứng vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn có hành kinh và sinh đẻ bình thường. Các khối u nang âm thầm phát triển theo thời gian và khi nó to lên bệnh nhân có thể sờ thấy nó hoặc có cảm giác nặng ở bụng dưới. Kinh nguyệt sẽ bị rối loạn, gây đầy bụng, rối loạn hệ thống tiêu hóa.
Đến khi đi khám phụ khoa kết hợp với nắn bụng dưới sẽ thấy có một khối u trong hố chậu hay trong ổ bụng, mềm, không đau, di động. Nếu khối u chỉ phát triển ở một bên tử cung thì tử cung sẽ bị khối u đẩy lệch sang 1 bên.
Tuy nhiên, chị em cần lưu ý rằng, các triệu chứng này có thể là triệu chứng của một bệnh lý khác như bệnh phụ khoa (viêm nhiễm, u xơ tử cung) hoặc khối u của một bệnh lý khác ở vùng bụng.
Các biến chứng u nang buồng trứng có thể gặp phải
Trường hợp giai đoạn nặng của u nang buồng trứng có thể dẫn tới các biến chứng xoắn u với các triệu chứng như đau quặn bụng cấp tính, đau thành từng cơn, diễn tiến ngày càng dồn dập và gia tăng về cường độ, thường kèm nôn ói, nhiều khi trầm trọng dẫn đến mất nước và các chất điện giải hoặc dẫn tới suy thận.
Điều trị u nang buồng trứng
Các trường hợp u nang buồng trứng cơ năng thì không cần điều trị. U nang buồng trứng có thể sẽ tự mất sau 3-6 vòng kinh. Còn trường hợp u nang buồng trứng thực thể thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật bóc tách và cắt bỏ. Những trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời các khối u này sẽ biến chứng: Xoắn hoặc ung thư hoá. Dưới đây là hướng điều trị cụ thể cho từng đối tượng:
Với trường hợp đối tượng bị bệnh là những người lớn tuổi : phương pháp điều trị là cắt bỏ 2 buồng trứng sẽ có hiệu quả lâu dài. Nếu đó là khối màng nhầy thì càng nhanh chóng cắt bỏ 2 buồng trứng càng sớm càng tốt, tránh trường hợp nhầy lan rộng và tái phát ra nhiều vị trí khác. Còn với khối nang bì thì chỉ việc cắt bỏ khối u đó.
Với trường hợp đối tương bị bệnh là phụ nữ mang thai : rất cần được theo dõi cẩn thận và kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến mẹ. Nếu các bác sỹ chỉ định giữ lại thai thì sẽ được mổ để cắt khối nang vào tháng thứ 4 của thai kỳ, nếu có bất kỳ biến chứng nào khác thì phải mổ khẩn bất kể bào thai ở tuổi nào.
Với trường hợp đối tượng bị bệnh là những người còn trẻ tuổi vẫn có nhu cầu sinh đẻ : trường hợp này mà phát hiện u nang ở hai bên của buồng trứng thì cần bóc tách khối u sớm để bảo tồn tồn phần còn lại của tử cung và vòi trứng.
Với những trường hợp đối tượng trên 40 tuổi, bị khối nang buồng trứng có bề mặt sần sùi, có dấu hiệu nứt vỡ: cần làm sinh thiết tức thì để đề phòng chuyển u ác tính ảnh hưởng tính mạng của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được phẫu thuật bóc tách khối nang nếu chúng phát triển xâm lấn dây chằng rộng tránh làm tổn thương niệu quản, hệ động mạch chậu, bàng quang và trực tràng.
Cuối cùng việc phát hiện càng sớm u nang buồng trứng càng ít có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ của người phụ nữ. Vì vậy, lời khuyên với phụ nữ là khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Tổng hợp