Sỏi thận – Dấu hiệu nhận biết và hướng điều trị cho người bệnh
Sỏi thận được hình thành do lượng nước tiểu quá ít, hay nồng độ các chất khoáng tăng cao trong nước tiểu. Các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat, natri, cystine hay phốt-pho lắng đọng trong đài, bể thận kết thành sỏi. Bình thường quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người không biết mình bị sỏi thận. Vậy làm thế nào để nhận biết?
Với những trường hợp sỏi nhỏ, (kích thước nhỏ hơn hoặc bằng hạt cát) có thể tự ra ngoài trong quá trình bài tiết nước tiểu mà không gây triệu chứng gì. Con với những ca bệnh có sỏi lớn, tùy theo kích thước nhỏ to mà xảy ra các trường hợp: di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài được nhưng có thể gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu; mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản gây viêm tắc niệu quản; sỏi nằm lại trong đài bể thận, hoặc trong bể thận rồi phát triển to dần choán hết đài bể thận, gây ra những tai biến nghiêm trọng làm huỷ hoại thận và các chức năng của thận. Do sỏi thận có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn nên rất dễ làm tổn thương thận tạo nên những vết sẹo trong thận, dẫn đến suy thận.
Những dấu hiệu nhận biết
Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng nên bệnh nhân thường không biết mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn, hay đi tiểu ra sỏi mới biết. Nếu có thấy xuất hiện một số triệu chứng sau thì cần xét nghiệm chẩn đoán thêm:
- Cơn đau thận do sỏi gây tắc bể thận và niệu quản, gây đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bìu, kèm nôn hay trướng bụng.
- Cơn đâu âm ỉ vùng thắt lưng do sỏi không gây tắc;
- Đái ra máu do sỏi gây tổn thương đường tiết niệu hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương thận chảy máu.
- Những triệu chứng trên kết hợp sốt cao 38 – 39o, và/hoặc ớn lạnh, thận to đau, cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu, nước tiểu đục do nhiễm khuẩn.
Hướng điều trị sỏi thận
2 hướng điều trị chính của sỏi thận chủ yếu là phá hủy cho sỏi thải ra ngoài cơ thể và tạo điều kiện để sỏi không hình thành. Thuốc có thể hòa tan những viên sỏi có kích thước không quá 0.5 cm. Đôi khi chỉ cần liệu trình 2 – 6 tháng là đủ. Bác sỹ sẽ chỉ định bệnh nhân nên dùng thuốc nào tùy thuộc vào thành phần sỏi của người bệnh. Không phải sỏi nào cũng có thể hòa tan và thải ra ngoài được.
Gần đây, y học đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị sỏi thận. Đó là phương pháp mổ nội soi hoặc dùng thiết bị chuyên dụng để nghiền nhỏ sỏi trong thận và ống tiểu. Sóng điện từ trong điều trị sỏi thận được điều chỉnh ở tần số phù hợp để có thể xuyên qua mô cơ thể mà không gây tổn thương. Sóng điện từ sẽ phá huỷ sỏi thành những hạt nhỏ để có thể thải ra theo đường tự nhiên.
Phẫu thuật sỏi thận được áp dụng khi sỏi có hình thức phức tạp kiểu san hô hoặc số lượng nhiều. Sau khi khám nghiệm, các bác sỹ phẫu thuật là sẽ quyết định bệnh nhân cần lây sỏi ra hay không. Nếu sỏi nhỏ, trong một thời gian dài không to lên và không gây phiền phức thì có thể để nguyên một thời gian. Tuy nhiên,phải dõi theo thường xuyên hàng năm bằng siêu âm, xét nghiệm máu và nước tiểu phân tích sinh hóa, khi cần có thể tiến hành soi rơn-ghen.
Phòng ngừa đúng cách giúp giảm khả năng tái phát bệnh xuống ít nhất 3 lần. Cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, tránh lao động nặng và cẩn thận với thời tiết lạnh và ẩm ướt.
Tổng hợp