Người bệnh nhân bị viêm gan C thường rất lo sợ và bi quan vì có thể chuyển sang xơ gan, ung thư gan. Thực tế thì ai cũng muốn được điều trị, nhưng không phải ai cũng đủ kiền trì và điều trị bệnh thực sự nghiêm túc.
Người bị viêm gan C nên sớm được điều trị (Ảnh minh họa)
Bà Vũ Thị Thu Hà cho biết giữa tháng 6-2009, chồng bà là ông H.V.T. được bác sĩ của một bệnh viện chẩn đoán viêm gan C type 6. Bác sĩ này nói ông T. phải chích và uống thuốc một năm. Điều trị được sáu tháng thì sức khỏe ông T. suy sụp hẳn, yếu sức, mệt mỏi, ăn không được, lở loét khắp người… Ngày 13-1-2010, sau mũi chích của tháng thứ bảy ông T. cảm thấy rất khó chịu, sau đó sốt, ớn lạnh, ói liên tục phải đi cấp cứu. Sau một tháng cấp cứu, điều trị ở nhiều bệnh viện, ngày 16-2 ông T. qua đời ở tuổi 64.
Cần cân nhắc kỹ trước khi điều trị
TS.BS Trần Tịnh Hiền – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết không phải bệnh nhân nào bị viêm gan C cũng phải điều trị. Trước khi quyết định có điều trị hay không, bác sĩ phải cho bệnh nhân xét nghiệm nồng độ siêu vi C trong máu, xác định xem siêu vi C thuộc type di truyền nào (có sáu type khác nhau).
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải được sinh thiết gan (đặc biệt là bị viêm gan type 1) để xác định mức độ hư hại của gan, giai đoạn bệnh. Kết quả sinh thiết sẽ giúp bác sĩ quyết định và đánh giá hiệu quả điều trị cho bệnh nhân chính xác nhất.
Tuy nhiên, tại VN đa số bệnh nhân không được sinh thiết gan trước khi điều trị. Vì vậy, nếu chỉ xét nghiệm thấy nồng độ virus cao, xác định type nào rồi cho bệnh nhân điều trị ngay là chưa đúng.
Theo TS Tịnh Hiền, việc điều trị cũng phải xem xét cụ thể trên từng bệnh nhân, bởi phác đồ phối hợp hai loại thuốc đặc trị hiện nay là thuốc Interferon (chích) và Ribavirin (uống) có rất nhiều phản ứng phụ. Interferon khiến người bệnh có thể mệt mỏi, chán ăn, ói mửa, rụng tóc… Ribavirin có thể gây ho, khó thở, ngứa, nổi ban đỏ ngoài da, mất ngủ, thiếu máu (các tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngưng điều trị).
Vì vậy, bác sĩ phải cân nhắc xem bệnh nhân bao nhiêu tuổi, thể trạng thế nào (người mập, uống rượu nhiều có nguy cơ biến chứng nhiều hơn), nồng độ siêu vi C bao nhiêu, có bệnh lý khác (tim mạch, tiểu đường…) kèm theo không, khả năng kinh tế thế nào (do thuốc mắc tiền, điều trị kéo dài). Nếu người bệnh đã 60-70 tuổi, đang khỏe mạnh, đi đứng bình thường, xét nghiệm thấy có siêu vi C nhưng nồng độ không cao lắm, men gan chưa có vấn đề gì thì không nên điều trị. Vì khi mắc bệnh cũng phải 20-25 năm sau bệnh nhân mới có thể chuyển qua xơ gan.
Khi có chỉ định điều trị, bác sĩ phải theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị cho bệnh nhân qua xét nghiệm nồng độ virus trong máu định kỳ vào các tuần thứ 12, 24, 48 và 72. Ví dụ, bệnh nhân bị viêm gan C type 1, đã điều trị đến tuần 24 nhưng nồng độ virus trong máu không giảm thì phải ngưng điều trị, vì có điều trị cũng không giúp được gì hơn cho người bệnh mà còn làm họ thêm mệt mỏi, lo lắng, tốn kém tiền bạc vô ích. Với những bệnh nhân này, khi ngưng điều trị cần được theo dõi xơ gan, ung thư gan định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thực tế nếu theo đúng nguyên tắc, trước khi điều trị bác sĩ phải tư vấn cho người bệnh biết việc điều trị có lợi, hại thế nào cho sức khỏe. Bệnh nhân phải được biết bệnh của họ điều trị trong bao lâu, điều trị như thế nào, cần chuẩn bị bao nhiêu tiền (do chi phí điều trị tốn kém hàng trăm triệu đồng, bỏ nửa chừng sẽ làm siêu vi C ngày càng kháng thuốc), chuẩn bị tinh thần, tâm lý để điều trị, nhất là khi bị tác dụng phụ của thuốc.
Trường hợp bệnh nhân gặp phản ứng trầm trọng do thuốc phải ngưng điều trị ngay. Nếu bác sĩ vẫn cố điều trị, thay vì phải 10-20 năm nữa bệnh nhân mới chết vì viêm gan C thì lại chết ngay vì phản ứng phụ của thuốc.
Xem tiếp: Điều trị viêm gan siêu vi C không dùng thuốc
Theo: Tuổi trẻ