Khi bạn thấy bất chợt ngưa ngứa trong cổ họng, đầu váng vất, đau minh mẩy … đó có thể là biểu hiện đầu tiên của một đợt cảm lạnh. Vậy có cách nào để ngăn ngừa trước khi nó phát tác không?
Khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của chứng cảm lạnh, các chuyên gia khuyên bạn một số lưu ý sau để đẩy lùi sự phát tác của cảm lạnh:
- Uống nước hoặc nước trái cây ngay : Cơ thể đủ nước sẽ giúp giảm các triệu chứng như viêm họng và sổ mũi.
- Súc miệng bằng nước muối : để chống lại tình trạng viêm họng, hãy thêm nửa thìa muối vào cốc nước ấm. Muối sẽ “bóc tách” các chất đeo bám thành họng, giúp giảm viêm, làm sạch nhầy và các kích thích ở cuối họng.
- Súc miệng cũng giúp “tống cổ” các vi khuẩn, vi rút, giúp giảm mật độ vi khuẩn trong họng.
- Giữ mũi sạch sẽ : Dùng nước muối dạng xịt làm sạch mũi ngay khi triệu chứng cảm lạnh xuất hiện sẽ giúp giảm các phản ứng khó chịu nhanh chóng nhờ tống sạch các chất bẩn ra.
Trong 2 giờ đầu tiên
Ra hiệu thuốc: Mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như acetaminophen để giảm đau nhức. Các loại thuốc giúp giảm sổ mũi, chảy nước mắt.
Các loại thuốc ho truyền thống : Mật ong để lâu rất tốt cho người mới bị viêm họng. 1-2 thìa cho vào trà hoặc uống luôn. Đừng quên bổ sung viên kẽm để tăng sức đề kháng của cơ thể.
Trong 6 tiếng đầu
Ngừng làm việc: Cơ thể bạn sẽ chống chọi với vi rút tốt hơn nếu bạn được nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn tiếp tục làm việc, cơ thể sẽ không đủ sức để chiến đấu. Ngoài ra, ngày đầu tiên cũng dễ lây nhiễm bệnh cho người khác nhất.
Để không phát tán vi khuẩn, hãy rửa tay hoặc sử dụng gel rửa tay khô.
Đừng quên ăn nhiều đồ ăn lỏng : Luôn duy trì việc uống nước, nước quả, trà hay súp gà cho bữa trưa. Các món ăn trị cảm truyền thống cũng rất hữu dụng.
Vận động 1 chút: Nếu bạn cảm thấy mình có thể nhúc nhắc thì hãy “tập nhẹ 1 chút có thể tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng lưu ý không để nhịp tim tăng quá cao.
Cuối ngày
Tăng cường khả năng chiến đấu chống khuẩn: Một chế độ ăn bổ dưỡng sẽ tiếp thêm năng lượng cho hệ miễn dịch. Vì thế hãy chọn một bữa tối với các món ăn giàu protein như thịt, cá hay đậu đỗ với cơm, xôi nếp cẩm và nhiều rau quả.
Có thể tắm vòi sen nóng trước khi đi ngủ nếu cảm thấy vẫn ngào ngạt để có 1 giấc ngủ ngon.
Ngày tiếp theo
Bạn có cảm thấy khá hơn không ? Nếu bạn cảm thấy tệ hơn hay sốt, bắt đầu nôn và đau đầu nhiều hơn thì hãy gọi bác sĩ. Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn bị mắc 1 bệnh nghiêm trọng nào đó chứ không hẳn là cảm lạnh (chẳng hạn như cảm cúm hay viêm nhiễm) và bạn có thể dùng các loại thuốc kháng khuẩn, kháng sinh hay cách điều trị phù hợp khác.
Còn nếu thấy khá hơn thì hãy lặp lại chu trình ở trên để bệnh sớm lui.
Cách phòng tránh tốt nhất
Duy trì vệ sinh cơ bản : Các biện pháp vệ sinh cơ bản rất hữu ích trong phòng ngừa cảm lạnh. Hãy rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc ở nơi công cộng như sân vân động hoặc những nơi đông người. Nên duy trì khoảng cách an toàn với những người đã nhiễm bệnh.
Không tiếp xúc trực tiếp với vật dụng của người nhiễm bệnh: Vì virus rihno lây lan trong không khí nên nó có thể có ở trên các bề mặt vật dụng xung quanh người nhiễm bệnh dưới dạng giọt nước nhầy nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Virus có thể vô tình được lây truyền qua việc chạm tay lên các bề mặt đó và sau khi chạm tay lên các bộ phận trên mặt như mũi và miệng của người nhiễm bệnh.
Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ gây tổn hại cho bạn mà cả những người xung quanh. Khói thuốc lá gây ra sự kích ứng trong đường thở khiến cho con người dễ bị virus rhino tấn công. Ngoài ra hút thuốc lá còn khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do virus gây ra. Hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ra nhiễm trùng họng.
Tăng cường vitamin C : Uống một cốc nước cam mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng và chữa cảm lạnh.
Giảm stress: Khi tâm trí bạn bị căng thẳng với nhiều vấn đề thì cơ thể bạn còn phải tập trung giải quyết những căng thẳng đó. Do vậy, hệ miễn dịch bị yếu đi khiến cơ thể dễ bị virus tấn công. Ngủ ít nhất 8 giờ/ngày và thư giãn là cách tốt nhất để bạn phòng chống cảm lạnh.
Xem thêm: Hiện tượng cảm lạnh khi mang thai