14h300- 03/11/2013: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
Sau những hoạt động tình nguyện hết sức ý nghĩa, cùng những giây phút xúc động khi được về thăm nhà lưu niệm Đại Tướng và được đến viếng mộ người, đoàn chúng tôi lại băng băng lên đường để đến với địa danh rất nổi tiếng trong lịch sử cũng như thơ ca: Đèo Ngang.
Tổng Giám đốc kể lại sự tích Đèo Ngang và đền thờ Công chúa Liễu Hạnh
Đèo Ngang, địa danh quen thuộc với bao người từng vào ra trên con đường thiên lý Bắc – Nam, là dãy núi chạy từ rặng Hoành Sơn ra tới biển làm thành ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh. Vùng đất từng được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước VN. Nằm trên biên giới Việt – Chiêm xưa, rồi thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, và ít nhiều gắn với sự hưng vong của các triều đại phong kiến, Đèo Ngang đang lưu giữ một góc lịch sử trong hành trình xây dựng và mở nước hàng nghìn năm của dân tộc. Cùng với vẻ đẹp thiên tạo hoà quyện trong mây trời non nước, lịch sử bi hùng của danh thắng Đèo Ngang đã làm nao lòng biết bao bậc thức giả, tao nhân mạc khách cho đến các bậc quân vương. Đèo Ngang mang dấu tích vừa lịch sử vừa văn chương:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi Tiều vài chú,
Lác đác bên sông Rợ (chợ?)mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Qua Đèo Ngang -bà Huyện Thanh Quan)
Hầm đường bộ đèo Ngang và đền Bà chúa Liễu Hạnh
Dưới chân Đèo Ngang còn có đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Hằng năm, khách thập phương thường đến viếng, thắp hương cầu nguyện. Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lối cấu trúc cân xứng, đăng đối và hài Hòa đó còn tạo ra vẽ đẹp cho kiến trúc, nghệ thuật và thể hiện sự trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền. Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người ở đây.
Rời đền công chúa Liễu Hạnh, chúng tôi lại đến một địa danh đẹp như tranh vẽ: Bãi Đá Nhảy.Đây là một điểm du lịch hấp dẫn với bãi tắm đẹp còn nguyên sơ và quần thể đá với trăm hình ngàn vẻ kỳ thú. Mỗi khi có sóng xô, trông đá như những con cóc lớn nhảy trên sóng, tạo nên hàng loạt âm thanh rì rào khác nhau. Có lẽ vì vậy mà cái tên Đá Nhảy được ra đời từ đó để ghi dấu nét riêng của bãi biển này.
Bãi tắm đá nhảy với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng
Cảnh biển lãng mạn, những con sóng đua nhau xô bờ cát trắng mịn….
Chúng tôi đã có những giây phút hết sức vui vẻ, sảng khoái bên nhau
Đội ngũ nhân viên miền Nam
Một, hai, ba….nào ta cùng nhảy!!!!!!!!
Sau khi chơi đùa thỏa thích, chúng tôi lại ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp tại khách sạn Đá Nhảy và trở lại Mường Thanh để chuẩn bị cho sự kiện thi đấu đầu tiên: Cờ tướng.
20h30: Mường Thanh
Vòng đấu loại cờ tướng bắt đầu diễn ra. Các kỳ thủ 2 miền tham gia thi đấu hết sức nhiệt tình, fair play. Bằng tài năng và trí tuệ, 2 kỳ thủ Nguyễn Quốc Hưng và Trịnh Thế Phúc đã chiến thắng các đối thủ và lọt vào vòng chung kết sắp tới.
Kết thúc một ngày dài, vượt qua quãng đường hơn 300km nhưng mỗi người chúng tôi vẫn tràn đầy năng lượng cho kế hoạch diễn ra trong những ngày tiếp theo.
Nhóm phóng viên (còn nữa)