Gout là bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng natri urat trong khớp, thận và tổ chức dưới da, gây đau. Cơn gout cấp tính là một trong các biểu hiện lâm sàng của bệnh gout. Cơn gout cấp thường xảy ra sau bữa ăn có quá nhiều thịt (nhất là loại có nhiều purin như thịt chó, nội tạng), uống nhiều rượu. Hay do cảm xúc quá mạnh, strees, lao động nặng, đi lại nhiều, chấn thương (kể cả chấn thương nhỏ như đi giày chật), nhiễm khuẩn…đều có thể là những yếu tố khiến cơn gout cấp xuất hiện. Cơn gút cấp tính lần đầu thường xảy ra ở lứa tuổi 35 – 55, thường hay gặp ở nam giới hơn nữ.
Triệu chứng của cơn gout cấp:
Sưng đau các khớp là triệu chứng thường gặp trong cơn gout cấp.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Tại khớp: Cơn gout cấp thường được đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp khởi phát đột ngột, đau dữ dội, kèm theo sưng, nóng và đỏ ở các khớp bị tổn thương, đau tăng dần đến mức tối đa sau 8 – 12 tiếng. Cơn gout ban đầu thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp (chiếm 80 – 90%). Vị trí thường gặp các khớp ở chi dưới như khớp bàn ngón chân cái, gối, bàn ngón khác, khớp cổ chân. Hơn một nửa các trường hợp có triệu chứng đầu tiên ở khớp bàn ngón chân cái… trong giai đoạn sớm của gout, các khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân, gót chân, và khớp gối có thể cũng bị tổn thương. Các khớp cổ tay, ngón bàn tay và khớp khuỷu là vị trí tổn thương thường gặp trong những đợt cấp của giai đoạn sau. Đối với phụ nữ lớn tuổi thì tổn thương các khớp nhỏ ngón tay (các khớp đã bị tổn thương trước đó do thoái hóa khớp) thường thấy sớm hơn trong những đợt gout cấp.
Cơn gout điển hình:
Hoàn cảnh xuất hiện: Cơn xuất hiện tự phát hoặc sau bữa ăn nhiều chất đạm hoặc uống rượu quá mức; một chấn thương; một bệnh trung gian khác phát; một can thiệt phẫu thuật; một đợt dùng thuốc: aspirin, lợi tiểu…
Triệu chứng đầu tiên:
- Rối loạn thần kinh: Đau đầu, trạng thái tinh thần kích thích mệt mỏi.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau thượng vị, táo bón, ợ hơi.
- Rối loạn tiết niệu: Đái nhiều, đái dắt.
- Các triệu chứng tại chỗ: Khó cử động chi dưới, nổi tĩnh mạch tê bì ngón chân cái.
- Đó là một số triệu chứng thường xảy ra trước khi có cơn gout cấp mà ta có thể tự nhận biết được. Đây cũng là thời điểm tốt để điều trị phòng ngừa không cho cơn gout cấp khởi phát.
Thời gian: Thường khởi phát vào ban đêm.
Tính chất: Khớp đau ghê gớm, bỏng rát, thường xuyên đau đến cực độ, đau làm mất ngủ, mất ngủ càng tăng thêm do tăng cảm giác đau của da. Đau chủ yếu về đêm, ban ngày đau có thể giảm. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38 – 38,50 có thể kèm theo rét run. Đau tăng về đêm trong 5 – 6 đêm tiếp đó. Ban ngày đau giảm dần, có thể hết đau hoàn toàn vào ban ngày.
Điều trị cơn Gout cấp:
Trong điều trị cơn gout cấp tính, trước hết cho người bệnh nằm nghỉ ngơi, kê cao chân bị bệnh, nghỉ ngơi cho đến khi khớp đỡ đau, 72 giờ sau mới được hoạt động bình thường. Khi bị cơn gout cấp cần sử dụng một số loại thuốc như sau: thuốc chống viêm không steroid, colchicin, corticosteroid, trong đó thuốc chống viêm không steroid được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Sử dụng thuốc tùy theo bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo như bệnh thận hay dạ dày tá tràng.
Thuốc chống viêm không steroid: Đây là thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị đợt gout cấp ở hầu hết bệnh nhân. Các thuốc này bao gồm: phenylbutazon, indomethacin, diclofenac (Voltaren), ibuprofen (Brufen)…Tuy nhiên, đối với người cao tuổi và người có bệnh kèm theo, cần thận trọng, cân nhắc khi dùng, chỉ nên sử dụng thuốc này trong thời gian ngắn và với liều thấp. Thuốc cần tránh dùng đối với bệnh nhân bị bệnh thận, viêm loét dạ dày, tá tràng hay bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.
Colchicin : Là thuốc chống phân bào, được chiết xuất từ rễ cỏ Colchicum autumnal, là thuốc điều trị Gout lâu đời nhất và tác dụng chống viêm của nó là có tính chọn lọc. Tác dụng chính của thuốc là ức chế sự di chuyển của các bạch cầu hạt đến vùng viêm và làm giảm hoạt động thực bào của các bạch cầu hạt với các tíinh thể natri urat từ đó ngăn cản sự sinh tạo ra glycoprotein từ các bạch cầu (Glycoprotein được cho là nhân tố chính gây viêm khớp gout cấp). Thuốc không có tác dụng lên sự thải trừ acid uric theo nước tiểu cũng như lên nồng độ, độ hòa tan hay khả năng gắn với protein huyết thanh của acid uric hay urat nên không làm thay đổi nồng độ acid uric máu. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, đứng đầu là các rối loạn dạ dày, ruột như tiêu chảy, nôn, đau bụng. Hiếm gặp hơn là các phản ứng dị ứng da, rụng tóc, các bệnh cơ. Việc dùng thuốc kéo dài có thể dẫn tới suy tủy xương do ức chế tủy xương, mất bạch cầu hạt, thiếu máu không hồi phục, rụng tóc, giảm tinh trùng…
Corticosteroid: Trong một số trường hợp đặc biệt, với mục đích điều trị cơn gout cấp có thể sử dụng corticoid đường uống ngắn ngày hoặc đường tiêm nội khớp. Nhưng do thuốc có nhiều tác dụng phụ và do tình trạng lạm dụng thuốc ở nước ta nên thuốc này không được khuyến khích sử dụng. Việc dùng thuốc Corticosteroid điều trị trong gout cấp vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Thuốc giảm đau an thần: Trong gout cấp người bệnh thường rất đau, có thể phải dùng thuốc giảm đau, an thần trước khi các thuốc đặc hiệu phát huy tác dụng. thuốc thường dùng: codein, meperidin (trừ aspirin); seduxen….