Chế độ dinh dưỡng kém, tinh trùng bất thường, tắc vòi trứng, bệnh ở tử cung… Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Theo BS Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Trưởng khoa Sản, BV Y học cổ truyền TƯ, Đông y có lý giải một số nguyên nhân thường gây vô sinh ở phụ nữ. Nguyên nhân do thận hư: Biểu hiện dậy thì muộn, 18-20 tuổi mới có kinh hay mắc các chứng tật bẩm sinh bộ phận sinh dục nữ. Thận khí hư tổn hậu thiên (thận khí sau này mới bị hư): Do lấy chồng quá sớm; Phòng dục quá độ (trác táng quá độ); Chửa đẻ, nạo hút điều hoà quá nhiều lần đều hại đến thận khí.
Một nguyên nhân nữa do huyết ứ. Thường do sau đẻ, sau sảy thai, sản dịch chưa sạch hoặc rau kinh nguyệt máu bẩn chưa hết đã quan hệ tình dục. Hàn tà khi có kinh hay sau đẻ, sau sảy, sau nạo làm cho máu ứ lại ở hai mạch xung và nhâm gây ra vô sinh (thường gặp tắc ống dẫn trứng, ứ nước vòi trứng, lạc nội mặc tử cung). Nguyên nhân do can uất: Người phụ nữ mắc chứng vô sinh thường phải chịu một sức ép rất nặng nề về tâm lý (do quan điểm dòng họ, gia tộc, gia đình).
Theo Đông y, con người là một chỉnh thể thống nhất, các yếu tố tinh thần, tâm lý có ảnh hưởng lớn đến khí, huyết thường gây ra khí huyết không điều hoà làm cho hai mạch xung và nhâm không nương nhờ nhau để kết tụ tinh khí lại mà thành thai. Nguyên nhân nữa do đàm trệ: Phụ nữ quá béo là đàm trệ, thấp nội sinh làm bế tắc hai mạch xung và nhâm mà không có thai.
Những yếu tố ảnh hưởng sinh sản
Theo BS Đào Xuân Dũng (chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản), Tây y liệt kê một danh sách dài những nguyên nhân khiến không thể thụ thai: Chế độ dinh dưỡng kém, tinh trùng bất thường (về số lượng hoặc chất lượng), tắc vòi trứng, bất thường về hormone, bệnh ở tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, nhiễm khuẩn đường sinh sản… Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và đều có thể phát hiện được nhờ các phương pháp thăm dò.
Nhiều bạn đọc hỏi: Vậy nên chờ đợi bao lâu thì cần đi gặp thầy thuốc? Theo BS Đào Xuân Dũng, trong đại đa số trường hợp, cần gặp thầy thuốc sau khi đã thử cố gắng để có thai (quan hệ tình dục không bảo vệ) trong một năm. Tuy nhiên, nếu đã thử dùng các phương pháp để dễ có thai như giao hợp vào thời điểm phóng noãn (đo nhiệt độ cơ bản của cơ thể), dùng thuốc kích thích phóng noãn… mà vẫn không có thai thì chỉ sau 3-6 tháng là cần đi khám. Nếu người phụ nữ đã quá 30 tuổi thì cũng nên gặp thầy thuốc càng sớm càng tốt khi đã quyết định muốn có thai.
Theo BS Đào Xuân Dũng có ba lý do khiến nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khó có thể thực hiện được nguyện vọng có con: Cơ sở y tế thiếu phương tiện kỹ thuật (thầy thuốc chuyên khoa, phương tiện thăm dò, thuốc hỗ trợ sinh sản) – có lẽ lý do này là chủ yếu khiến những cặp vợ chồng hiếm muộn cứ phải đổ dồn về các bệnh viện trung ương; Cặp vợ chồng không đủ kiên nhẫn theo đuổi việc điều trị – thời gian thăm dò để xác định nguyên nhân hiếm muộn và tiến hành điều trị mất nhiều thời gian; Không đủ tiền bạc – nhiều thuốc hỗ trợ sinh sản rất đắt tiền.
BS Xuân Dũng cũng cho rằng, những thăm dò của các cặp vợ chồng là rất cần thiết. Tinh dịch đồ là phân tích tinh dịch hay đếm số lượng tinh trùng để đánh giá khả năng sinh sản của người nam giới. Sinh thiết nội mạc tử cung để xem sự phát triển của nội mạc tử cung có thuận lợi cho trứng làm tổ không. Phát hiện nhiễm khuẩn cổ tử cung hay nhiễm khuẩn mạn tính trong buồng tử cung có thể gây ra hiếm muộn và sảy thai liên tiếp. Phân tích máu để xác định tình trạng cân bằng hormone, có thể là nguyên nhân hiếm muộn.
Lời khuyên của bác sỹ
1. Các bạn trẻ mới lấy chồng mà muộn con, nếu thấy trong người mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh, bế kinh nên điều trị Đông y trước, khi các chứng nói trên khỏi, sẽ dễ có thai.
2. Với những bạn không may bị tắc hai ống dẫn trứng, không có khả năng có thai tự nhiên được, phải nhờ tới các kỹ thuật hiện đại trong điều trị vô sinh như thụ tinh trong ống nghiệm, cũng nên có sự chuẩn bị trước bằng cách uống Đông y một vài tháng để chuẩn bị điều kiện dưỡng thai cho tốt.
3. Những người mắc chứng vô sinh không nên quá mong mỏi, nóng lòng mà buồn phiền… Vì điều đó làm ảnh hưởng tới chức năng của các tạng phủ, gây rối loạn nội tiết thêm, càng gây khó khăn cho việc có thai.
BS Nguyễn Ngọc Lâm
(Nguyên Trưởng khoa Sản, BV Y học cổ truyền TƯ)