Chứng tiểu buốt, tiểu ra máu ở phụ nữ

Nhiễm trùng đường tiểu, một căn bệnh có thể nói hầu hết phụ nữ sẽ ít nhất một lần trải qua trong đời với triệu chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới.

Tại sao phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu?

Thời tiết nắng nóng là một trong những nguy cơ làm bệnh phát sinh. Vì cơ thể tiết nhiều mồ hôi nhưng lại tiểu ít đi. Phụ nữ dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng tiểu hơn là nam giới. Nguyên nhân theo BS Võ Phước Khương (BV Nhân Dân 115, TP.HCM): “Cấu tạo của cơ quan sinh dục phụ nữ phức tạp, niệu đạo ngắn nên vi trùng đi ngược dòng vào bàng quang dễ dàng hơn; niệu đạo lại nằm gần trực tràng, vi khuẩn từ đây có thể đi vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiểu. Niệu đạo nằm cạnh âm đạo, do đó hoạt động tình dục cũng là yếu tố đẩy vi trùng ngược dòng vào bàng quang. Thuốc tránh thai cũng là nguyên nhân, khi thuốc làm nhiệm vụ của mình sẽ gây tác dụng phụ là làm trở ngại việc bài tiết, nước tiểu đọng lại trong bàng quang thuận lợi cho vi trùng phát triển”.

Vệ sinh sơ sài hoặc quá kỹ cũng là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh, nhất là vào chu kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh sẽ làm vi khuẩn sinh sôi. Ngược lại, việc sử dụng thường xuyên các chất diệt khuẩn, các sản phẩm vệ sinh, sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo cũng làm mất cân bằng vi khuẩn, tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có ích.

Một nguyên nhân ít ai nghĩ đến nữa là đồ lót quá chật làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.

Phòng dễ hơn trị

Nhiễm trùng tiểu là căn bệnh hay tái phát, do đó, các bác sĩ khuyên chị em phụ nữ nên tự biết cách dự phòng bằng các biện pháp đơn giản sau:

- Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước, có thể từ nước đun sôi để nguội, nước quả, nước canh (tránh rượu bia, hạn chế cà phê)… Nước sẽ giúp cơ thể bài tiết tốt, tránh ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.

- Không nhịn tiểu, cố gắng đi tiểu đều đặn và không được nhịn lâu. Vì đây cũng gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.

tieu-buot-tieu-ra-mau-o-phu-nu

Phụ nữ không nhịn tiểu, cố gắng đi tiểu đều đặn và không được nhịn lâu. (ảnh minh họa)

- Vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách, BS Đào Xuân Dũng – chuyên Sản phụ khoa cho biết, vấn đề này rất quan trọng để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục nói chung, nhiễm trùng tiểu nói riêng. Chị em phụ nữ chỉ cần vệ sinh 1 -2 lần/ngày là đủ. Nên dùng các sản phẩm vệ sinh thích hợp cho khu vực cơ quan sinh dục để không làm mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo. Không nên rửa quá sâu vào âm đạo. Không nên dùng nước hoa hay các chất khử mùi ở khu vực cơ quan sinh dục. Thay đồ lót hằng ngày, nhất là tối trước khi ngủ. Rửa sau mỗi lần đi vệ sinh và nhớ là lau từ phía trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn đi ngược lên. Trong những ngày hành kinh, thay băng vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày. Đồ lót nên chọn loại làm bằng sợi bông, thoáng và hạn chế ra mồ hôi để tránh ẩm ướt.

- Đi tiểu sau quan hệ tình dục, trong quá trình giao hợp, niệu đạo là ống nhỏ dẫn nước tiểu từ bàng quang thường mở rất rộng, do đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn tại khu vực âm đạo có cơ hội đi ngược lên. Phản xạ tiểu tiện sau mỗi lần giao hợp sẽ giúp thải ngay lập tức những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào trong bàng quang.

- Tăng sức đề kháng, khi hệ miễn dịch của cơ thể mạnh sẽ góp phần chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Hãy tăng sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ, bổ sung rau xanh và trái cây, nhất là loại giàu vitamin C.

- Đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên, BS Khương khuyến cáo, chị em nên đi gặp BS khi có các biểu hiện sau: cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, tiểu ít, nước tiểu đục, lợn cợn, hôi, tiểu đau, tiểu buốt, tiểu có máu…Tránh tự ý dùng thuốc hay ngưng thuốc vì có thể bệnh sẽ nặng hơn vì tình trạng kháng thuốc.

Bạn có biết, theo Giáo sư Kurt G. Naber (Đức), giao hợp là nguyên nhân của 75 – 90% nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Còn báo cáo của bệnh viện Bình Dân thống kê: Có đến 50 – 80% người trưởng thành có ít nhất 1 lần bị nhiễm trùng tiểu trong đời.

Theo EVa

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh