Vô sinh thứ phát - Khi nào cần đến gặp bác sỹ

Trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng từng ít nhất một lần có con thường suy nghĩ "máy móc" của mình chạy tốt muốn có con lúc nào chẳng được. Thế nhưng, khi bắt đầu có kế hoạch mang thai lần nữa nhưng không được, họ đâm ra lo lắng và bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bị vô sinh thứ phát.

vo-sinh-thu-phat

Hiện nay, vô sinh thứ phát được xem là một trong những căn bệnh của thời hiện đại. Tỷ lệ các ca vô sinh thứ phát trong những năm gần đây gia tăng. Cụ thể, theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nữ tăng khoảng 15 - 20%.

Trục trặc không của riêng ai

"Vợ chồng tôi đã có một đứa con trai tám tuổi. Cách đây 2 năm, chúng tôi quyết định sinh thêm đứa nữa để con có anh có em. Thế nhưng, sau hơn một năm không dùng biện pháp ngừa thai, tôi chờ hoài vẫn không đậu thai. Vợ chồng tôi đi khám và phát hiện bị vô sinh thứ phát. Nguyên nhân là do một bên vòi trứng của tôi bị tắc, phải thông vòi trứng. Hôm nay, tôi đến bệnh viện làm siêu âm nang noãn để chuẩn bị thực hiện thụ tinh nhân tạo". Đó là trường hợp của chị Lê Thị Thanh Tâm, quê ở Đồng Nai, đi khám tại khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ.

vo-sinh-thu-phat

Hiện nay, việc điều trị vô sinh thứ phát không quá khó... (Ảnh minh hoạ)

Cũng như chị Tâm, nhiều cặp vợ chồng do ngại sinh nên kéo dài thời gian sinh con thứ hai từ tám đến mười năm. Đến khi muốn có con họ gặp trục trặc trong việc thụ thai. Theo kết quả thống kê của một nghiên cứu y khoa, các nguyên nhân gây vô sinh thứ phát chiếm tỷ lệ như sau:

  • Khả năng sinh sản và số lượng tinh trùng của nam giới thấp: 32%.
  • Do trục trặc trong quá trình rụng trứng của người phụ nữ: 4,9%.
  • Bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến dạ con: 3,3%.
  • Tổn thương ống dẫn trứng ở phụ nữ: 16,7%.
  • Các yếu tố kết hợp của cả nam lẫn nữ: 17%.

Điều đáng ngại là đa số các cặp vợ chồng đã từng có thai hoặc sinh con thường ỷ y vì cho rằng đường sinh sản của mình tốt. Do vậy, đến khi nhận thấy khó thụ thai lần nữa, họ thường chờ đợi làm mất thời gian quý báu, nhất là những cặp vợ chồng quá 35 tuổi.

Vô sinh thứ phát có nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát (VSTP) được nhắc tới đầu tiên và nhiều nhất vẫn là viêm nhiễm tắc dính đường sinh dục ở nữ giới. Phụ nữ có tiền sử về nhiễm trùng sinh dục như viêm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng làm chít hẹp hoặc tắc ống dẫn trứng do đó trứng không thể di chuyển vào buồng tử cung.

Phụ nữ trước đây có đặt vòng, nạo thai, sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung và ống dẫn trứng dính như buồng tử cung hoặc tắc ống dẫn trứng.

vo-sinh-thu-phat

Phụ nữ trước đây có đặt vòng, nạo thai, sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung và ống dẫn trứng

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như dị dạng tử cung, u xơ tử cung, tiền căn phẫu thuật vùng chậu, viêm vùng chậu... Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, chất nhầy ở cổ tử cung và cấu trúc bình thường của cổ tử cung giúp tinh trùng bơi qua dễ dàng. Nếu vì một lý do nào đó gây ảnh hưởng tới chất nhầy hoặc cấu trúc của cổ tử cung làm cho tinh trùng khó sống sót và không thể bơi qua được sẽ làm cho tỷ lệ có thai giảm.

Tiền sử nữ giới có đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung làm phá hủy các tế bào tiết chất nhầy, tiền căn nạo thai, sẩy thai, tổn thương cổ tử cung sau sinh gây chít ép hoặc hở cổ tử cung hoặc viêm nhiễm cổ tử cung đều làm ảnh hưởng tới khả năng sống của tinh trùng.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường – Trưởng khoa Hiếm muộn (BV Phụ sản Từ Dũ – TP Hồ Chí Minh), cho hay nghiên cứu khảo sát nguyên nhân gây vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát chiếm 40%. Trong đó nguyên nhân do nữ tăng khoảng 10% so với năm 1998. Một đặc điểm cần lưu ý là trong số những phụ nữ vô sinh thứ phát có đến hơn 60% có tiền căn nạo phá thai. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm khảo sát vai trò của nạo phá thai đối với vô sinh thứ phát.

Trong nghiên cứu, có 170 bệnh nhân VSTP được chọn vào nhóm bệnh và 170 phụ nữ mang thai được chọn vào nhóm đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tiền căn nạo phá thai trước đó sẽ có nguy cơ VSTP gấp 2,5 lần so với phụ nữ không có tiền căn nạo phá thai. Tiền căn đặt vòng, nghề nghiệp, trình độ học vấn … không có tương quan với VSTP. Khi khảo sát một vài yếu tố liên quan đến nạo thai với khả năng gây VSTP nhóm nghiên cứu thấy rằng tuổi thai lúc nạo phá thai càng cao thì càng tăng nguy cơ vô sinh và nơi tiến hành thủ thuật như tuyến huyện xã thì khả năng vô sinh cũng cao hơn.

Đối với nam giới, VSTP khiến nhiều người giảm cơ hội làm cha. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết lượng bệnh nhân là nam giới tới điều trị VSTP ngày càng nhiều. Nguyên nhân gây VSTP cho nam giới cũng đã đến lúc cần cảnh báo. Nguyên nhân gây VSTP ở nam giới thường là do rối loạn trong quá trình sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng. Suy tuyến sinh dục nguyên phát, thứ phát, nhiễm trùng đường sinh dục, quai bị, dãn tĩnh mạch thừng tinh, tiếp xúc với các hoá chất, tia xạ làm tinh trùng yếu, giảm hoặc không có tinh trùng.

Bên cạnh đó, nhiều người bị rối loạn chức năng tính dục như các rối loạn chức năng cương dương vật (bất lực), và rối loạn về phóng tinh (xuất tinh ngược dòng) cũng làm giảm khả năng có thai. Bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục như không có ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh hoàn ẩn, hay dãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ gây giảm hoặc không có tinh trùng.

Trong các nguyên nhân gây vô sinh nam, bất thường về tinh trùng chiếm khoảng 90% và nguyên nhân do rối loạn tình dục chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, với cuộc sống ngày càng công nghiệp hóa như hiện nay, tỷ lệ này không chỉ dừng lại ở mức 5% như trước đây. Các rối loạn hoạt động tình dục ở nam giới bao gồm giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương vật, rối loạn phóng tinh và chứng giao hợp đau. Trong số các rối loạn nói trên, rối loạn cương dương vật và rối loạn phóng tinh là hai yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới nhiều nhất. Xuất tinh sớm, trong trường hợp nặng cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động sinh sản của người nam.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Bác sĩ Hồ Thị Ngọc, chuyên sản phụ khoa, cho biết: "Trong vòng một năm, nếu vợ chồng sinh hoạt tình dục và không sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào nhưng lại không có thai, cả hai nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra".

"Để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác của người mẹ để có thai, điều kiện kinh tế gia đình, các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con, thời gian lý tưởng là từ 3 - 5 năm".

Với những trường hợp vợ hoặc chồng mắc bệnh nan y, cần phải điều trị lâu dài và có khả năng ảnh hưởng đến việc thụ thai, bạn có thể nhờ biện pháp lưu giữ tinh trùng để có thể sử dụng khi cần.

Hiện nay, việc điều trị vô sinh thứ phát không quá khó. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần nhận biết và đi khám sớm. Tùy vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác của mỗi cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp để họ có cơ hội sinh thêm con.

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh