Vẫn có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1

Theo  PGS TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư , vẫn có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1,vì hiện nay lượng thủy cầm lành mang virus trong các hộ gia đình còn nhiều.

cum-h5n1

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm vius H5N1.

Hiện virus cúm gia cầm A/H5N1 chưa có biến đổi nhưng độc lực gây bệnh của nó vẫn rất mạnh và nguy cơ gây tử vong cao. Cả hai trường hợp mắc virus H5N1 từ đầu năm đến nay đều tử vong và có liên quan trực tiếp đến gia cầm. Trả lời câu hỏi về việc có hay không virus biến đổi mạnh hơn vì 2 bệnh nhân tử vong nói trên đều là thanh niên khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, TS Hiển cho biết, đây là virus của gia cầm, chưa thích ứng với người nên không loại trừ đối tượng nào mắc bệnh hay không. Khả năng nhiễm cúm của từng người cũng phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm và tính cảm nhiễm về di truyền của họ. Thực tế có nhiều người phơi nhiễm với cúm gia cầm nhưng không phải ai cũng nhiễm bệnh. Trong những đợt dịch tiêu hủy hàng triệu gia cầm thì người thực hiện trực tiếp tiêu hủy chính là người phơi nhiễm. Đến nay, chưa ghi nhận ai bị nhiễm bệnh. Với cúm A/H1N1 thì tỷ lệ người lành mang virus khá cao nhưng với H5N1 thì không có thống kê do mỗi năm chỉ ghi nhận rải rác một vài trường hợp. Nhưng tỷ lệ nông dân chăn nuôi gia cầm có kháng thể với virus cúm gia cầm cao. 50% số trường hợp nhiễm H5N1 tử vong, có những thời điểm là 100% số ca mắc tử vong cho thấy, đây vẫn là chủng cúm có độc lực cao. Kết quả phân tích di truyền học cho thấy, chủng cúm A/H5N1 trong 2 ca mới nhất cơ bản giống như virus ở gia cầm, nghĩa là vẫn có độc lực cao, tỷ lệ tử vong lớn.

Tuy nhiên, TS.Hiển khẳng định: Những thay đổi về cấu trúc đến thời điểm này cũng chưa đủ mạnh khiến virus này có thể lây từ người sang người hoặc làm bệnh cảnh nặng hơn, nhẹ hơn. Nhưng các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo do tỷ lệ tử vong cao nên người dân vẫn phải cảnh giác với căn bệnh này. Từ tháng 5 năm 2010 đến nay miền Bắc chưa thấy ca nhiễm cúm A/H5N1 nào, nhưng phía Nam vẫn rải rác xuất hiện bệnh nhân. Theo ông Hiển, nguyên nhân là phía Nam số lượng đàn gia cầm được nuôi nhiều hơn, cùng với đó là tập quán nuôi vịt chạy đồng khiến nguy cơ lây bệnh từ gia cầm sang người cao hơn. Kết quả giám sát của Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) cho biết khoảng 3-5% đàn vịt mang virus. TS. Nguyễn Trần Hiển cho biết, đã có thêm vaccine phòng cúm A/H5N1 đang trong giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm. Hiện các nhà khoa học của Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư vẫn đang tiếp tục đánh giá tính hiệu quả và độ an toàn. Nếu đảm bảo các yêu cầu về độ an toàn đối với người sử dụng thì trong tương lai gần, vaccine này sẽ được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Thái Hà

Theo Báo Tiền phong

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh