Phát hiện và cách xử trí cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực dùng để chỉ triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Khi xuất hiện cơn đau tức ngực, người bệnh có cảm giác như có vật nặng chèn ép vào ngực rất khó chịu, một số trường hợp cảm giác đau như bóp vào tim, đau rát, đau như cứa.

dau-that-nguc

Khi xuất hiện cơn đau tức ngực, người bệnh có cảm giác như có vật nặng chèn ép vào ngực rất khó chịu

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là một thuật ngữ y học, dùng để chỉ triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Nguyên nhân gây bệnh là một nhánh nhỏ của động mạch vành bị hẹp, làm cho một vùng cơ tim không được cấp máu đầy đủ nên không đảm bảo nuôi dưỡng cơ tim.

Tuy nhiên, nhiều người bệnh cho rằng đau thắt ngực là cơn đau có cảm giác như thắt lại ở vùng ngực. Thực tế có rất nhiều cơn đau như vậy nhưng lại không phải do thiếu máu cơ tim cục bộ nên không được gọi là cơn đau thắt ngực. Ví dụ như, đau do các bệnh lý khác ở tim, ở phổi, ở thực quản, ở dạ dày, ở xương sườn, ở thần kinh, và ở cơ...

Cơn đau thắt ngực thường tái diễn nhiều lần, mỗi cơn đau thường kéo dài từ 2 đến 10 phút. Cơn đau quá ngắn dưới 1 phút hoặc quá dài trên 15 phút, thường không phải là đau thắt ngực.

Những người có nguy cơ đau thắt ngực

  • Nam giới chiếm 80%, xuất hiện ở tuổi trên 40. Nữ giới xuất hiện ở tuổi trên 45.
  • Người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
  • Chế độ ăn quá nhiều chất béo.
  • Có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ nhiều.
  • Gia đình có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Khi nào xuất hiện cơn đau?

Đau thắt ngực xuất hiện sau một hoạt động gắng sức như, làm việc nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục... Nếu cơn đau xuất hiện khi nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ... thường không phải là đau thắt ngực.

Yếu tố tâm lý như, xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ... cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cơn đau.

Ngưỡng đau là mức độ gắng sức của người bệnh để xuất hiện cơn đau. Ví dụ như đau xuất hiện sau mỗi lần đi bộ được đúng 1km. Động mạch vành càng hẹp thì ngưỡng đau càng thấp, có những bệnh nhân chỉ vận động tăng lên một chút là đã xuất hiện cơn đau.

Đa số bệnh nhân có ngưỡng đau ổn định hay còn gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Ví dụ như khi leo cầu thang lên đến tầng 3 là xuất hiện cơn đau, sáng chạy thể dục đến đúng một địa điểm là thấy đau, xách đến xô nước thứ 2 là thấy đau.

Một số bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định. Đó là biểu hiện của bệnh càng ngày càng nặng lên, các cơn đau xuất hiện dày lên, đau dữ dội hơn. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì khó phân biệt với nhồi máu cơ tim.

Vị trí xuất hiện cơn đau

Đa số đau xuất phát từ giữa ngực ngay sau xương ức, hoặc bên ngực trái vùng trước tim. Sau đó đau lan từ ngực lên vai trái. Nếu lan xa hơn sẽ xuống cánh tay trái, cẳng tay trái, ngón tay trái và thường là ngón út. Số ít trường hợp lan lên cổ, tay phải, thượng vị nhưng không bao giờ lan xuống đến rốn.

Tự cắt cơn đau như thế nào?

Khi đang hoạt động gắng sức mà xuất hiện cơn đau, phải tự dừng ngay hoạt động lại và nghỉ ngơi, cơn đau sẽ hết sau vài phút.

Nên chuẩn bị sẵn thuốc Nitroglycerin trong túi, khi xuất hiện cơn đau liền ngậm ngay một viên, cơn đau sẽ hết sau vài phút.

Điều trị cơn đau thắt ngực

Khi xuất hiện những dấu hiệu như mô tả trên, người bệnh cần đến ngay các trung tâm y tế để được các bác sĩ khám và chẩn đoán xác định cơn đau thắt ngực.

Hiện nay có rất nhiều thuốc tốt để điều trị và dự phòng cơn đau thắt ngực, nhưng cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa. Những trường hợp động mạch vành hẹp nặng, nguy cơ nhồi máu cơ tim, các thầy thuốc có thể tiến hành nong động mạch vành, đặt giá đỡ động mạch vành, phẫu thuật làm cầu nối để tăng cường lưu thông máu. Các phương pháp này cần phải có trình độ chuyên môn rất cao, nhưng đều đã triển khai được ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước.

Phòng cơn đau thắt ngực

  • Chế độ ăn giảm mỡ và muối, không hút thuốc lá.
  • Tăng cường luyện tập thể dục và vận động thân thể.
  • Điều trị tốt các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.

BS Trần Văn Phúc

BV Xanh Pôn

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh