Không nên ăn kiêng trong thời gian thai nghén

Nhiều phụ nữ mang thai do sợ mất thân hình thon thả nên đã tự ý ăn kiêng. Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ và thai nhi mà còn làm tăng nguy cơ sinh non.

che-do-dinh-duong-day-du-cho-ba-bau

Hình ảnh minh họa

Trong số những phụ nữ đang mang thai, 30-50% bị thiếu vitamin B1 và B6, 70% thiếu axit folic và 60% thiếu chất sắt. Vì vậy, một chế độ ăn uống phong phú và cân bằng là rất cần thiết cho cả mẹ và con. Nếu mẹ kiêng khem hay ăn uống không hợp lý, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu và thiếu canxi. Những trẻ suy dinh dưỡng trong bụng mẹ khi sinh ra đều nhẹ cân, có chiều cao dưới trung bình và khi lớn lên có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa và rối loạn nội tiết. Những trẻ này cũng hay đau ốm ở năm đầu đời vì khả năng miễn dịch kém.

Ngoài ra, với những bà mẹ có tỷ lệ CRH (một hoóc môn dưới đồi) cao, việc kiêng khem hoặc ăn uống nghèo năng lượng rất dễ dẫn tới sinh non. Khi chưa thụ thai, việc ăn kiêng cũng làm tăng nguy cơ hiếm muộn. Theo một thống kê của Pháp, trong các phụ nữ đến khám và điều trị hiếm muộn,15-20% mắc chứng ăn vô độ hoặc chán ăn. Trong các phụ nữ đi khám do kinh nguyệt không đều có 40% ăn uống không cân bằng. Cứ 4 phụ nữ kiêng ăn lại có 1 người gặp khó khăn trong sinh đẻ.

Các nghiên cứu mới đây cho biết, đối với những phụ nữ mảnh khảnh, việc kiêng ăn, giảm thức ăn giàu năng lượng và chất béo trong 4 ngày có thể tạo ra nguy cơ rối loạn hoóc môn. Vì vây, phụ nữ trước và trong khi mang thai cần ăn uống đầy đủ, không nên dùng dưới 1.500 calo/ngày. Cơ cấu các bữa ăn như sau:

  1. Bữa sáng: Cần cung cấp 20-30% lượng calo của một ngày.
  2. Bữa trưa: Cần có rau sống, rau cải tươi (để bảo đảm đủ lượng vitamin), rau luộc (để giúp nhuận tràng) và chất khoáng. Nên tiếp nhận nguồn protein từ cá, thịt, trứng để góp phần xây dựng các tế bào của thai nhi. Các thức ăn chứa gluxit (như cơm, các chất bột) cũng rất cần thiết cho sự phát triển hài hòa của bào thai và tạo cảm giác no.
  3. Bữa tối: Được cấu tạo như bữa trưa nhưng nhẹ hơn. Cần ăn nhiều trái cây, 2-3 loại trái cây/ngày.

Ở các tháng đầu của thai kỳ, do buồn nôn nên các bà thường không thích ăn uống. Vì vậy, cần ưu tiên các thức ăn nhẹ, dễ tiêu, giàu canxi và protein như sữa, sữa chua. Chất béo phải chiếm 30% năng lượng cung cấp, nghĩa là khoảng 60-80 g/ngày. Dù muốn hạn chế sự tăng cân, thai phụ vẫn phải ăn 3 thìa cà phê dầu/ngày (tương đương với 15 g). Mỗi tuần nên ăn cá béo (cá thu, cá mòi, cá bông lau) 2 lần. Cá béo chứa nhiều axit béo quan trọng như omega - 3, rất cần thiết cho sự phát triển và hoàn chỉnh não em bé. Cần nhớ rằng sự tăng cân của mẹ trong các tháng cuối của thai kỳ rất có ích cho thai nhi (cứ yên tâm vì thể trọng của mẹ sẽ dễ dàng giảm đi sau khi sinh). Tuy nhiên, để giúp bào thai phát triển tốt, việc ăn uống đầy đủ phải được thực hiện ngay từ đầu thai kỳ. Ở các tháng đầu, thai phụ đều bị ốm nghén nên nếu không lên cân được thì cũng không nên lo lắng quá mức.

Theo Lifeinvn

Sản phẩm tuệ linh