Cytoxan

Cytoxan

Cytoxan

HOẠT CHẤT:

  • Cyclophosphamide

CHỈ ĐỊNH:

  • Cyclophosphamid được sử dụng rộng rãi và thường phối hợp với nhiều thuốc khác để điều trị nhiều bệnh ác tính khác nhau gồm:
  • Các u lympho ác tính: U lympho Hodgkin và không Hodgkin, u lympho Burkitt, u lympho lymphocyt, u lympho tế bào hỗn hợp và u lympho mô bào.
  • Ða u tủy xương.
  • Các bệnh bạch cầu như thể lympho mạn tính, thể hạt mạn tính (thường không có hiệu quả trong các đợt cấp), bệnh bạch cầu cấp thể tủy và thể monocyt, thể nguyên bào lympho, bệnh bạch cầu ở trẻ em (cyclophosphamid, dùng trong thời gian thuyên giảm, có kết quả do kéo dài giai đoạn này).
  • U sùi dạng nấm.
  • Cyclophosphamid cũng được dùng để điều trị tạm thời nhiều khối u đặc và khối u di căn như carcinom vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung, phổi, tuyến tiền liệt và buồng trứng; u ác tính ở trẻ em như u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc, u Wilm và sarcom.
  • Cyclophosphamid cũng được dùng làm thuốc phòng ngừa cùng với phẫu thuật đối với những khối u ác tính nhạy cảm với hóa liệu pháp.
  • Do có tính ức chế miễn dịch, nên cyclophosphamid còn được sử dụng trong ghép cơ quan và tủy xương. Cyclophosphamid cũng được sử dụng để điều trị các rối loạn tự miễn như viêm đa cơ, luput ban đỏ toàn thân, thiếu máu tan huyết tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, các chứng viêm mạch như bệnh u hạt Wegener, hội chứng thận hư, viêm khớp dạng thấp.

LIỀU DÙNG:

  • Liều đầu tiên 40 - 50 mg/kg tiêm tĩnh mạch, được chia thành nhiều liều nhỏ tiêm trong 2 - 5 ngày. Hoặc uống 1 - 5 mg/kg/ngày. Liệu pháp duy trì có thể thực hiện với liều 1 - 5 mg/kg/ngày, uống hoặc tiêm tĩnh mạch 3 - 5 mg/kg 2 lần mỗi tuần, hoặc 10 - 15 mg/kg cách 7 - 10 ngày/1 lần.
  • Trẻ em: Liều đầu tiên: 2 - 8 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc uống và liều duy trì 2 - 5 mg/kg, 2 lần mỗi tuần theo đường uống.

CÁCH DÙNG:

  • Vì viên cyclophosphamid có vị khó chịu, nên cần nuốt chửng, tốt nhất nên uống vào lúc đói, nhưng nếu dạ dày bị kích ứng nhiều thì có thể uống trong bữa ăn.

TÁC DỤNG PHỤ:

  • Cyclophosphamid có tác dụng ức chế mọi tế bào tăng sinh trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào tủy xương và các tế bào biểu mô đường tiêu hóa. Phần lớn các tác dụng không mong muốn đều liên quan tới liều sử dụng. Ức chế tủy xương là tác dụng không mong muốn dễ gặp khi dùng liều cao điều trị cấp, nên cần phải giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần sử dụng.
  • Máu: Giảm bạch cầu có hồi phục, giảm tiểu cầu, thiếu máu, mất bạch cầu hạt.
  • Tiêu hóa: Biếng ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm miệng, viêm niêm mạc.
  • Da: Ngoại ban, ban da, đỏ bừng mặt, nổi mề đay, rụng tóc lông, sạm da/móng tay.
  • Tiết niệu - sinh dục: Viêm bàng quang vô khuẩn, đái máu vi thể và đái máu đại thể, vô kinh, không có tinh trùng.
  • Thần kinh trung ương: Ðau đầu, chóng mặt
  • Mắt: Viêm kết mạc.
  • Gan: Vàng da.
  • Tuần hoàn: Rối loạn chức năng tim (dùng liều cao), suy tim sung huyết, độc tính tim, hoại tử tim hoặc viêm cơ tim xuất huyết.
  • Thận: Hoại tử ống thận.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

  • Người có tiền sử quá mẫn với thuốc, viêm bàng quang xuất huyết, giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu rõ rệt, nhiễm khuẩn cấp, bất sản tủy xương, nhiễm độc đường niệu cấp do hóa trị liệu hoặc phóng xạ trị liệu.
  • Không nên dùng cyclophosphamid để điều trị bệnh không ác tính, ngoại trừ để giảm miễn dịch trong những tình trạng đe dọa tính mạng và trong các bệnh miễn dịch và tự miễn.

THẬN TRỌNG:

  • Nên cẩn thận khi dùng cyclophosphamid cho người đái tháo đường, vàng da, di căn lan tỏa ở xương, suy giảm tủy xương, mất bạch cầu hạt, suy tủy (suy kiệt tủy xương) suy thận hoặc suy gan nặng, tắc nghẽn tiết niệu, tiền sử bệnh tim, chứng suy mòn, nhiễm khuẩn gian phát và xạ trị. Cần giảm liều cho những người bệnh cao tuổi hoặc suy nhược, những người suy thận, suy gan, hoặc những người bệnh đã cắt bỏ tuyến thượng thận. Nên đưa nhiều dịch vào cơ thể và đi tiểu thường xuyên để giảm nguy cơ viêm bàng quang, nhưng phải cẩn thận tránh giữ nước và nhiễm độc.
  • Vì cyclophosphamid phải qua chuyển hóa trước khi có hoạt tính, nên có thể có tương tác với các thuốc ức chế hoặc kích thích những enzym có liên quan đến chuyển hóa. Cyclophosphamid có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho tim trên những người bệnh đang dùng doxorubicin hoặc những thuốc gây độc cho tim khác, hoặc đang được chiếu xạ khu vực tim.
  • Thời kỳ mang thai: Cyclophosphamid gây sẩy thai, gây biến dị và gây quái thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Cả vợ và chồng đều nên áp dụng các biện pháp tránh thai tích cực trong thời gian dùng thuốc và tối thiểu 3 tháng sau điều trị thuốc.
  • Thời kỳ cho con bú: Cyclophosphamid tích tụ trong sữa mẹ với số lượng có nguy cơ cho trẻ bú mẹ. Các bà mẹ nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị bằng cyclophosphamid.

TƯƠNG TÁC THUỐC:

  • Cyclophosphamid có thể làm giảm nồng độ digoxin trong huyết thanh.
  • Allopurinol có thể làm tăng suy tủy và dẫn đến tăng đáng kể các sản phẩm chuyển hóa gây độc tế bào của cyclophosphamid.
  • Cyclophosphamid làm giảm nồng độ pseudocholinesterase trong huyết thanh và có thể kéo dài tác dụng phong bế thần kinh cơ của sucinylcholin; cần thận trọng khi dùng với halothan, oxyd nitrơ và sucinylcholin.
  • Cloramphenicol làm cho nửa đời của cyclophosphamid dài thêm, dẫn đến tăng độc tính.
  • Cimetidin ức chế sự chuyển hóa của các thuốc ở gan và có thể làm tăng hoặc làm giảm sự hoạt hóa cyclophosphamid.
  • Với doxorubicin, cyclophosphamid có thể làm tăng độc tính ở tim của các anthracyclin.
  • Phenobarbital và phenytoin cảm ứng các enzym ở gan và làm tăng nhanh việc tạo các sản phẩm chuyển hóa của cyclophosphamid đồng thời làm giảm nửa đời của thuốc mẹ trong huyết thanh.
  • Tetrahydrocannabinol làm tăng tác dụng giảm miễn dịch của cyclophosphamid trong các nghiên cứu trên động vật.
  • Thuốc lợi tiểu thiazid: Có thể làm giảm bạch cầu kéo dài.
Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh