10 lời khuyên khi sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau cho trẻ

Để dùng thuốc cho bé an toàn, trước tiên, bạn cần trao đổi hướng dẫn sử dụng thuốc thật cẩn thận với bác sĩ. Dùng sai liều thuốc ở bé có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của bé.

Mời bạn tham khảo 10 lời khuyên dưới đây của các chuyên gia y tế hàng đầu của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ.

luu-y-khi-dung-thuoc-cho-tre

Hình ảnh minh họa

1. Đọc nhãn thuốc trước mỗi lần dùng

Bạn nên tìm hiểu về các thành phần hoạt tính, lượng thuốc là bao nhiêu mỗi lần cho bé uống, thuốc có tương tác hay gây tác dụng phụ gì không, khi nào thì cần gọi bác sĩ, dùng thường xuyên thì sẽ thế nào... Tại sao bạn cần đọc kỹ nhãn thuốc mỗi khi cho con uống? Bởi đơn giản là lượng thuốc cho bé uống có thể thay đổi theo thời gian, do bé đã lớn tuổi hơn hoặc là tăng cân so với trước.

2. Tham khảo các thành phần hoạt chất

Thành phần hoạt chất quyết định công dụng của thuốc và bạn cần xem xét chúng là gì (hoặc những gì tạo nên chúng). Hãy nhớ tên của các thành phần hoạt chất là khác nhau với từng thương hiệu thuốc. Nghĩa là các nhãn thuốc khác nhau có thể cùng thành phần hoạt chất. Vì thế, điều quan trọng là bạn không nên cho bé uống cùng lúc 2 loại thuốc khác nhau nhưng loại cùng thành phần hoạt chất. Thành phần hoạt chất khác nhau có thể có công dụng tương tự. Ví dụ, cả acetaminophen và ibuprofen đều có tác dụng làm giảm đau và hạ sốt. Biết được điều này nghĩa là bạn cần tránh cho bé dùng 2 loại thuốc mà có tác dụng tương tự.

3. Phân biệt liều cho bé và liều cho người lớn

Thuốc hạ sốt và giảm đau dành cho người lớn và trẻ em sẽ có liều lượng khác nhau. Bạn không bao giờ được dùng thuốc của người lớn để cho bé uống, ngay cả với số lượng nhỏ. Đồng thời, bạn cần cho bé đi khám ngay nếu chứng cảm hay sốt ở bé nặng hơn.

4. Luôn tuân theo hướng dẫn liều lượng

Một số liều thuốc dựa trên trọng lượng, còn một số thuốc dựa vào độ tuổi; vì thế, hãy chắc chắn tuân theo chỉ dẫn đề xuất. Với gợi ý liều thuốc dựa vào độ tuổi của bé, bạn hỏi ý kiến bác sĩ để biết xem bệnh đó là nhẹ hay nặng với tuổi của con mình. Bằng cách này, bạn sẽ cho bé uống lượng thuốc phù hợp. Không bao giờ được tăng liều thuốc đã quy định.

5. Chỉ sử dụng công cụ định lượng đi kèm với thuốc

Không bao giờ dùng thìa nhà bếp hoặc dùng thìa (cốc) của một loại thuốc khác để ước chừng lượng thuốc cho bé nhà bạn. Thìa nhà bếp có kích thước khác nhau nên không thể chắc chắn là bạn cho con uống đủ lượng. Nếu bạn khó khăn trong việc tính lượng thuốc cho con, bạn nên nói chuyện với bác sĩ.

6. Hiểu viết tắt đo lường

Khi đọc nhãn thuốc, hãy chắc chắn bạn hiểu sự khác nhau giữa thìa cafe, thìa đính kèm thuốc, cũng như giữa một miligam (mg), mililít (ml) và ounce (oz).

7. Không cho bé uống thuốc trong bóng tối

Các bé có thể phải uống thuốc vào ban đêm. Do đó, bạn không nên cho con uống thuốc khi không đủ ánh sáng. Chỉ mất ít phút để bạn bật điện, cũng như đeo kính (nếu cần) để giúp bạn đọc rõ nhãn thuốc và cho con uống đúng liều.

8. Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn muốn bé uống nhiều hơn một loại thuốc

Nếu con của bạn bị ho và đau đầu, bạn có thể nghĩ bé cần dùng 2 loại thuốc, mỗi loại cho một bệnh. Nhưng nếu bạn cho bé uống cả 2 loại thuốc cùng lúc, nó có thể gây quá liều. Đọc nhãn thuốc để giúp bạn kiểm tra các thành phần tương tự nhưng tốt nhất, bạn nên hỏi bác sĩ trước.

9. Không dùng aspirin cho bé dưới 18 tuổi

Aspirin có thể gây ra tình trạng hiếm, đe dọa tới tính mạng, gọi là hội chứng Reye. Không bao giờ được cho bé uống aspirin, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.

10. Biết khi nào cần đưa bé đi khám

Nếu bé bị cảm trong một vài ngày mà không khá lên, hãy đưa bé đi khám ngay. Không bao gờ được cho bé uống thuốc dài hơn thời gian cho phép trên hộp.

Viet Bao (Theo M&B)

Sản phẩm tuệ linh